Thời sự Quốc tế

Thấy gì khi Trung Quốc đưa tiêm kích tiên tiến J-20 tuần tra Biển Đông?

16/04/2022, 09:09

Trung Quốc đã đưa tiêm kích tàng hình J-20 thế hệ tiên tiến nhất để tuần tra Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ngày 16/4, tờ Global Times (Trung Quốc) dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, việc triển khai J-20 vào hoạt động tuần tra là nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích hàng hảian ninh trong không phận Trung Quốc.

Global Times cũng dẫn lời ông Ren Yukun, đại diện nhà sản xuất tiêm kích J-20, cho hay, hoạt động tuần tra đã bắt đầu với những chiếc J-20 mới mang động cơ do Trung Quốc sản xuất, không phải phiên bản sử dụng động cơ của Nga.

Các phiên bản tiêm kích J-20 đầu tiên đều sử dụng động cơ của Nga nhưng mới đây Trung Quốc đã thay thế bằng động cơ đôi sản xuất trong nước. Phiên bản mới nhất được “trình làng” năm ngoái tại Triển lãm hàng không Trung Quốc.

img

Hai tiêm kích tàng hình J-20 trình diễn trên bầu trời tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc 2021. Ảnh - CNN

Thông báo trên được đưa ra vài tuần sau khi Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - tướng Kenneth Wilsbach tuyên bố, máy bay F-35 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc đã “chạm mặt” nhau ở khoảng cách gần trên Biển Hoa Đông.

Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai J-20 cho thấy 2 điều: Trung Quốc đã tự tin hơn về năng lực quân sự và đây là lời cảnh báo tới các nước khác có cùng tranh chấp trong hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ông Peter Layton, đến từ Viện châu Á Griffith tại Australia cho biết: Với khoảng 200 chiến cơ J-20 như hiện tại, Không quân Trung Quốc đang sở hữu dàn tiêm kích tiên tiến trong biên chế tương đương Mỹ.

Theo ông Layton, Trung Quốc muốn gửi thông điệp rằng: “Tất cả máy bay quân sự nước ngoài xâm nhập vào không phận mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ bị J-20 can thiệp, ngăn chặn”.

Ông Layton chỉ ra, bán kính hoạt động của J-20 rất rộng đồng nghĩa phương tiện này có thể tuần tra xa hơn, ở lại lâu hơn trong các khu vực như trên Biển Hoa Đông.

Những đội hình nhỏ có thể sẽ hoạt động tuần tra sâu và thường xuyên trong Biển Đông, đáp xuống một số căn cứ quân sự trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát để tiếp nhiên liệu rồi quay trở về đại lục.

img

Tiêm kích tàng hình J-20 phiên bản mới, sử dụng động cơ Trung Quốc. Ảnh - Quân đội Trung Quốc

Không quân Trung Quốc thậm chí có thể thực hiện các nhiệm vụ ngăn chặn tất cả nhóm máy bay chiến đấu Mỹ vào Biển Đông, cũng theo ông Layton.

Nhận định về việc Trung Quốc chuyển đổi thành công từ sử dụng động cơ do Nga sản xuất sang loại do Trung Quốc chế tạo, ông Layton cho rằng, sự thay đổi đó cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng độc lập về hoạt động sản xuất quân sự.

Nó không chỉ mang ý nghĩa Bắc Kinh không còn cần Nga giúp đỡ mà là máy bay do Trung Quốc sản xuất bây giờ có thể ưu việt hơn máy bay Nga – ông Laytons đánh giá.

Chuyên gia Laytons chỉ ra thực tế, nhờ có động cơ đôi nên J-20 phiên bản mới có thể dễ dàng thực hiện tuần tra hơn. Đó có lẽ là lý do vì sao đến gần đây Trung Quốc mới đưa J-20 vào nhiệm vụ tuần tra, trinh sát.

Được biết, J-20 được ca ngợi là chiến cơ đối trọng với F-22 (vốn được coi là tiêm kích cơ hàng đầu thế giới) và F35 của Mỹ.

Báo cáo năm 2017 về Các dự án sức mạnh của Trung Quốc do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược thực hiện cho thấy, động cơ mới do Trung Quốc sản xuất cho phép J-20 bay với tốc độ âm thanh, trong thời gian dài hơn.

Theo hãng tin CNN, tuy trước đây, giới chức Mỹ đánh giá J-20 không thể so sánh với các trinh sát cơ của Mỹ nhưng sau sự việc J-20 “chạm mặt” F-35 của Mỹ trên Biển Đông, tướng Wilsbach nhận định, J-20 đã gây ấn tượng mạnh.

Phía Mỹ quan sát thấy cách bay tương đối chuyên nghiệp của phi công Trung Quốc, tướng Wilsbach nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.