Xã hội

Thấy gì từ dòng người rời TP.HCM về quê tự phát?

16/08/2021, 16:01
image

Việc hàng trăm người từ TP.HCM về quê tự phát khi đang giãn cách là vi phạm, song nó cũng cho thấy một thực tế cần được nhìn nhận thấu đáo.

Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS Nguyễn Minh Hoà, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, chính sách đối với lao động nhập cư nên được xem xét, đánh giá lại để hỗ trợ được nhiều hơn đối tượng này.

img

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà

"Nhiều người không thể cầm cự thêm nữa"

Theo ông, lý do nào khiến hàng trăm người vẫn bất chấp rủi ro để kéo nhau rời TP.HCM về quê, bởi ngay cả các địa phương hiện nay cũng không tiếp nhận những người về tự phát?

Dịch Covid-19 giống như một trận cuồng phong và khi nó quét qua, chúng ta mới thấy hết được đời sống thực của một bộ phận người dân, nhất là những người nghèo, lao động nhập cư.

Lao động nhập cư ở bất cứ lĩnh vực nào, là công nhân các khu công nghiệp, lao động tự do ở các ngành dịch vụ... đều khó khăn. Biểu hiện rõ nhất là họ không có tích luỹ, nếu có cũng không đáng kể. Tôi đã từng làm các đề tài nghiên cứu về họ và nói về điều này từ hàng chục năm trước đây.

Mỗi người công nhân ở khu công nghiệp tằn tiện lắm, mỗi tháng, nếu không đau ốm, không phải đi đám cưới, đám ma thì chỉ dư được 500.000 - 1 triệu đồng. Khi mất việc, số tiến tích luỹ ấy không đủ cầm cự quá 3 tháng. Với những gia đình có con nhỏ, thì còn khó khăn hơn nữa.

TP.HCM đã trải qua thời gian giãn cách dài, nhiều lao động nhập cư chưa về quê các đợt trước đây là vì họ hy vọng sau 15/8 tình hình sẽ khác. Tuy nhiên, khi hay tin thành phố sẽ giãn cách thêm 30 ngày, họ biết mình không thể cầm cự được thêm nữa.

img

Nhiều gia đình lỉnh kỉnh đồ đạc, chở nhau bằng xe máy về quê, khi đến các chốt kiểm dịch thì buộc phải quay trở về nơi ở vì việc di chuyển vi phạm quy định giãn cách.

Nhưng thành phố cũng đã có các chính sách hỗ trợ người mất việc, lao động tự do, người nghèo... để mọi người an tâm “ai ở đâu yên đó”?

Trong tình hình khó khăn chung, TP.HCM đã có cố gắng để hỗ trợ những người thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương. Gần đây nhất là gói 886 tỉ đồng đã hướng đến 230.000 lao động tự do. Nhưng phải nói thật, con số 886 tỷ nghe lớn nhưng đến tay người dân như muối bỏ biển, như mưa bóng mây trên đất cằn khô.

Mỗi người được 1,5 triệu đồng cho hai chu kỳ giãn cách, mỗi chu kỳ 15 ngày, tính ra mỗi ngày 50.000 đồng. Có người nhận tiền tay phải thì tay trái đã phải trả nợ tiền nhà, tiền mua thuốc men, tiền vay mua thực phẩm trước đó.

Trên thực tế, dù chính quyền rất cố gắng nhưng vẫn còn những người bị lọt ra ngoài danh sách do họ không có nơi ở cố định, dù là nhà trọ, lang thang đây đó nên không nhận được đồng nào.

Nhiều người trong thời gian qua sống nhờ vào sự hảo tâm của các mạnh thường quân và nhóm thiện nguyện. Nhưng nguồn lực trong dân cũng không phải là vô tận, cũng dần hụt hơi.

Có lẽ TP.HCM cũng thấy được điều này, nhưng tiềm lực tài chính của thành phố cũng có hạn, phần lớn đang tập trung cho chống dịch.

Lãnh đạo thành phố cũng rất có thiện chí cưu mang người lao động nhập cư. Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên tuyên bố bất cứ ai sống trên địa bàn thành phố, kể cả người không hộ khẩu đều được tiêm vaccine và nhận lương thực duy trì cuộc sống qua ngày.

Song rõ ràng việc hàng nghìn người dân vội vã rời bỏ thành phố ngày 15/8 cho thấy họ rất bất an.

Theo ông thì những chính sách mà thành phố đưa ra thời gian qua đã đủ chưa, còn cần lưu ý điều gì?

Những gì thành phố đã làm trong thời gian qua là rất nỗ lực. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ nào đó thì việc truyền thông để an dân chưa được tốt lắm.

Chủ trương tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 được công bố vào sáng 13/8. Nếu tối ngày 13 và cả ngày 14/8, lãnh đạo thành phố kịp thời đưa ra thông điệp, cam kết sẽ lo ổn thỏa cuộc sống cho lao động nhập cư thì số người rồng rắn xe máy đòi vượt chốt về quê vào sáng 15/8 sẽ không nhiều đến vậy.

Theo quan điểm của tôi, mỗi chính sách mới, quyết định mới cần được thông báo, giải thích để dân hiểu, dân thông.

Thời gian qua có qua nhiều tin đồn đoán, suy diễn và gây xáo trộn. Chẳng hạn như chuyện vaccine Trung Quốc, cách thức nhận tiền hỗ trợ, cách ly F0 tại nhà và mới đây nhất là khai báo “di biến động dân cư”…

Trong bối cảnh đó, rõ ràng các phát ngôn chính thức kịp thời thậm chí là đi trước một bước sẽ có tác dụng an dân rất tốt.

img

Nhiều người dắt díu nhau về quê, trong khi các địa phương hiện không tiếp nhận người về tự phát

Muốn phát triển đô thị bền vững, nông thôn phải bền vững

Vấn đề đời sống của lao động nhập cư tại các đô thị lớn không phải bây giờ mới được đặt ra. Từ góc độ xã hội học, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ?

Chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn, muốn “phát triển đô thị bền vững” thì phải “phát triển nông thôn bền vững”.

Dịch Covid-19 thêm một lần khiến chúng ta nhận thức sâu sắc giá trị, nền tảng vững chắc của nông nghiệp, nông thôn.

Khi Covid-19 tràn tới, những nước nào chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Những nước có sản xuất nông nghiệp thì dường như mức độ tổn thương ít hơn và khi bị tổn thương thì lấy lại cân bằng nhanh hơn.

Chính vì thế mà nông nghiệp được coi là bệ đỡ, nền tảng, là cái “đệm hơi” giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế.

Vì thế, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 vẫn là dương, thuộc nhóm có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong đó nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp quan trọng nhất, dù khó khăn nhưng con số xuất khẩu đạt xấp xỉ 45 tỷ USD.

Do vậy Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn về tài chính, nhân lực, chính sách vào nông nghiệp - nông thôn để tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Cần phát triển các thôn, bản, làng, xã thành những miền quê trù phú, “đáng sống”, phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh, công nghiệp nhỏ và dịch vụ ở các huyện, xã để cho một bộ phận thanh niên “ly nông bất ly hương”.

Hy vọng “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” với mức đầu tư khoảng 2,45 triệu tỷ đồng sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn mới, với nhận thức nông nghiệp thịnh vượng là “kế sâu rễ bền gốc” của một quốc gia như cha ông ta từng nhắc nhở.

Với một đô thị như TP.HCM thì sao, thưa ông?

Là một thành phố lớn, nơi tiếp nhận nhiều lao động như TP.HCM cũng phải cần nhìn nhận lại xem chính sách đối với lao động nhập cư đã thực sự căn cơ hay chưa, từ câu chuyện thu nhập, chính sách an sinh..., để họ an tâm gắn bó, cống hiến cho thành phố.

Các doanh nghiệp cũng phải chung tay với thành phố lo nhà lưu trú, nhà trẻ, tăng thu nhập cho công nhân và các chế độ khác, nhằm đảm bảo họ có thể tích luỹ được 15-20% từ thu nhập hàng tháng. Như thế mới có khả năng chống chịu được dài ngày với những rủi ro xảy ra, kiểu như dịch Covid-19 lần này.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.