TikToker review lên ngôi
Theo phân tích của The Guardian, TikTok hiện tăng trưởng vượt trội so với các “anh cả” như: Facebook, YouTube, Instagram...
Nền tảng TikTok được sử dụng phổ biến để quảng bá thương hiệu
Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng. Thành tích này rút ngắn một nửa thời gian so với Facebook, YouTube, Instagram và nhanh hơn 3 năm so với ứng dụng WhatsApp.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok, đứng thứ 6 trên toàn cầu và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á, theo DataReportal.
Cùng với sự tăng trưởng như vũ bão, TikTok trở thành một kênh quảng bá đem lại nhiều thành quả cho các nhãn hàng - thông qua các TikToker có lượng người theo dõi lớn - gọi là KOL, KOC, influencer.
Theo khảo sát của Forrester Research do Pepper Jam thực hiện, hầu hết các nhà quảng cáo tham gia đều đồng ý rằng đây là mô hình thu hút được lượng khách hàng cao đứng đầu.
Tại Việt Nam, hiện tượng TikToker đổ xô đi review (đánh giá) ẩm thực, nhà hàng, mỹ phẩm, du lịch... ngày một nhiều.
Chuyên gia PR-Marketing Hằng Nguyễn thừa nhận, việc thuê TikToker review sản phẩm trên TikTok mang lại hiệu quả và độ lan tỏa mạnh hơn các kênh truyền thông mạng xã hội khác.
"Chi phí thuê TikToker rất đa dạng và linh hoạt. Có thể dao động từ 0 đồng đến cả trăm triệu đồng, tùy vào số lượng người theo dõi của kênh TikTok, độ uy tín của TikToker và chất lượng, quy mô thực hiện video.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không phải nhãn hàng hay cơ sở kinh doanh nào cũng hợp tác với TikToker, mà do TikToker chủ động tìm đến. Trong trường hợp này, bên cạnh hiệu ứng tích cực, nhãn hàng, chủ cơ sở kinh doanh có thể gặp rủi ro vì bình luận tiêu cực", bà Hằng Nguyễn cho hay.
TikToker đang ảo tưởng sức mạnh?
Thực tế ghi nhận, không ít TikToker "đánh sập" quán ăn, nhà hàng chỉ sau một video bình luận, đánh giá như một chuyên gia ẩm thực đầu ngành.
Một số cửa hàng đăng tải hình ảnh thông báo không tiếp một số TikToker
Độ ngon của món ăn có thể phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người, tuy nhiên, nhiều món ăn của các nhà hàng, quán ăn qua bàn tay review của các TikToker đều bỗng chốc có thể biến thành món ăn thị phi - bất chấp việc review này là quan điểm cá nhân và tùy gu từng người.
Có thể kể đến TikToker Võ Hà Linh, cô gái này thậm chí còn được gọi là "chiến thần review" vì chuỗi clip review về ẩm thực, mỹ phẩm khiến dư luận dậy sóng.
Mới đây, video review món bún đậu mắm tôm của nhà Trang Khàn trở thành tâm điểm chú ý. Theo quan điểm cá nhân, Hà Linh không đánh giá cao món ăn tại đây. Chính điều này khiến chủ nhà hàng bức xúc.
Trước Hà Linh, chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô, Cô gái có râu từng vướng nhiều thị phi khi review các quán ăn, nhà hàng... với bình luận tiêu cực.
Thậm chí, chủ kênh TikTok Cô gái có râu còn bị quán chè C.H dán hình ảnh của anh cùng thông báo “ở đây xin phép không tiếp nhân vật này”.
Hà Linh gây tranh cãi sau buổi livestream bán hàng cho một thương hiệu dầu gội mới đây
Không chỉ "làm mưa làm gió" ở mảng review, hoạt động bán hàng của các TikToker trên nền tảng này cũng nhiều phen lao đao.
Gần đây, TikToker Hà Linh tiếp tục gây tranh cãi khi công bố bán sản phẩm dầu gội với giá chỉ 18.000 đồng. Trong khi đó, các đại lý nhập sản phẩm đó với giá hơn 60.000 đồng.
Nhiều người chỉ trích Hà Linh bán phá giá, làm lố. Ngay sau đó, cô giải thích rằng chai dầu gội chỉ có giá đó khi mua combo ba sản phẩm. Dù vậy, dư luận vẫn không chấp nhận lời đính chính này.
Nhãn hàng tố Trương Nhã Dinh bán hàng mỹ phẩm kém chất lượng và không có hợp tác cùng cô để kinh doanh son trên TikTok
Trường hợp khác là TikToker Trương Nhã Dinh. Kênh TikTok có hơn 2,6 triệu người theo dõi, nhờ các video review những sản phẩm, vật dụng để chăm sóc sắc đẹp... sau đó cô bắt đầu kinh doanh mỹ phẩm trên nền tảng TikTok. Với giá thành rẻ hơn hàng chính hãng và được PR rầm rộ nên vị thế của Trương Nhã Dinh cũng được nâng cao.
Thế nhưng, các thương hiệu mỹ phẩm như MAC, Estee Lauder Vietnam đã có bài đăng cảnh báo hàng giả, hàng thật.
Điểm đáng chú ý trong bài đăng chính là hình ảnh của nữ TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội, thương hiệu mỹ phẩm này ngầm khẳng định cô gái này đang kinh doanh mỹ phẩm giả.
TikToker thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý thế nào?
Bàn về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, các nhà sáng tạo nội dung có thể tự do sáng tạo, review sản phẩm, nhà hàng, thương hiệu... trên mạng xã hội.
Nhưng, họ không được thực hiện các hành vi bị pháp luật cấm và không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội
Theo luật sư Tiền, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng.
Đồng thời, Điều 9 Luật này cũng quy định, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm các quy định nghiêm cấm về an ninh mạng, những đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, nếu gây ra thiệt hại, người vi phạm sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/ NĐ- CP quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
"Người vi phạm có thể bị phạt từ 10 đến 30 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp hành vi có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì người có hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như: Tội làm nhục người khác (Điều 155), Tội vu khống (Điều 156)...", luật sư Tiền phân tích.
Vị luật sư cũng lưu ý, trong trường hợp TikToker review quán ăn, thương hiệu sai sự thật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhãn hàng, chủ cơ sở kinh doanh thì họ hoàn toàn có quyền kiện, yêu cầu TikToker bồi thường thiệt hại.
"Tuy nhiên, khi yêu cầu khởi kiện thì chủ quán ăn, thương hiệu cần cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của TikToker với thiệt hại xảy ra trên thực tế. Về việc xác định thiệt hại dựa vào các quy định cụ thể ở Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015", luật sư Tiền nói thêm.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình - thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), đầu tháng 5, Bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Sau khi kiểm tra toàn diện cùng với bộ, ban, ngành sẽ đưa ra những đánh giá cụ thể.
Hiện, TT&TT chỉ rõ 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam gồm:
- Không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm với trẻ em.
- Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
- Không quản lý hoạt động của các idol TikTok nên để nhiều idol có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa.
- Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền.
- Không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận