Chuyện dọc đường

Thấy gì từ việc địa phương từ chối mở lại đường bay nội địa?

Việc một số địa phương từ chối tiếp nhận chuyến bay nội địa, đoàn tàu chở khách sẽ ảnh hưởng tới vận tải, ảnh hưởng tới hệ thống sản xuất.

Ở tình trạng bình thường mới, trong bối cảnh mới thì việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng phải thay đổi theo.

Có nhiều giải pháp để phòng chống dịch và không nên coi từ chối tiếp nhận người về từ vùng dịch là một "biện pháp".

img

Việc mở lại các đường bay nội địa được coi là giải pháp vô cùng quan trọng để khôi phục kinh tế

Việc địa phương từ chối chuyến bay, đoàn tàu chở khách sẽ ảnh hưởng tới vận tải, ảnh hưởng tới hệ thống sản xuất thì cả xã hội sẽ "đóng băng".

Cứ hình dung thế này, khi máu ngừng chảy thì chắc chắn tim sẽ ngừng đập, cơ thể sẽ chết.

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Và việc đứt gãy chuỗi sản xuất hay không có liên quan trực tiếp với hoạt động huyết mạch là giao thông vận tải.

Những nguy cơ thường trực hiện nay nhìn thấy rõ nhất là các doanh nghiệp đang điêu đứng, đang trên bờ vực phá sản vì giao thông vận tải bị ngưng trệ do dịch bệnh.

Để khôi phục kinh tế xã hội thì việc tổ chức giao thông vận tải như thế nào mới là điều quan trọng. "Mục tiêu kép" tức là phải vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất.

Hai việc này phải thực hiện song song, nếu vì chống dịch mà "đóng băng" kinh tế - xã hội thì nghĩa là mới chỉ thực hiện được một phần của mục tiêu đó.

Chẳng hạn như Hà Nội, vì sao không tính phương án tiếp nhận hành khách trên các chuyến bay, chuyến tàu kèm theo yêu cầu xét nghiệm để kiểm soát dịch?

Tôi cho rằng cần rà soát lại tất các biện pháp. Nếu Hà Nội có những biện pháp hợp lý thì người dân hoàn toàn ủng hộ. Còn những chính sách không phù hợp với nguyên tắc chung của cả nước, ảnh hưởng tới cả nước và người dân Thủ đô thì tôi nghĩ rằng khó nhận được sự đồng tình.

Thực tế, Thủ tướng đã nhắc nhở, phê bình rồi nhưng tình trạng "mỗi nơi làm một kiểu" vẫn đang xảy ra. Vì thế tôi cho rằng cần sớm có sự thay đổi, không thể để tái diễn tình trạng này.

Vừa qua, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Kết luận nêu rất rõ, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Bởi vậy, nếu thiếu sự quyết đoán, vì lợi ích chung, sẽ rất khó tạo điều kiện để mở cửa kinh tế trong bối cảnh chúng ta buộc phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.