Theo Trung tâm Quản lý giao thông đô thị TP.HCM, việc thí điểm này giúp người đi đường nâng cao ý thức chấp hành đèn tín hiệu, thay vì cố vượt khi đèn đỏ còn 2-3 giây, gây xung đột các hướng đi.
Cũng theo trung tâm này, việc bỏ đếm lùi giây là để cơ quan chức năng theo dõi, ghi nhận hình ảnh và số liệu về hành vi của người tham gia giao thông. Từ đó, có phương án tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp hơn.
Tổ chức giao thông linh hoạt, theo giải thích của Trung tâm quản lý giao thông đô thị TP.HCM là điều hành đèn theo tình huống thực tế, không nhất thiết phải cài đặt số giây cố định. Như vậy, tùy theo tình trạng giao thông ở từng thời điểm, trung tâm điều hành có thể tham gia điều tiết đèn xanh đỏ để điều chỉnh dòng lưu thông.
Một số ý kiến lo ngại việc đèn xanh chuyển vàng hoặc đỏ có thể gây ra tình trạng phanh gấp có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, ghi nhận của Trung tâm giao thông đô thị là chưa có tình trạng này trong thời gian thí điểm.
Mặt khác, ở TP.HCM và các đô thị khác trong nước, không phải chốt đèn giao thông nào cũng có đếm lùi. Cho nên lo ngại tình trạng "phanh gấp" là thiếu cơ sở.
Điều hành tín hiệu đèn giao thông linh hoạt theo từng thời điểm là cách quản lý đúng. Với công nghệ hiện nay, điều này dễ dàng thực hiện. Vấn đề là cần tạo môi trường giao thông nề nếp, trong đó, thượng tôn pháp luật và ý thức tuân thủ nghiêm quy định của người tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Đếm lùi giây là công nghệ và cách quản lý giao thông nhiều nước đang áp dụng. Gần gũi ở Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan chẳng hạn. Người Việt nói chung, khi đi du lịch, làm việc, học tập ở hai quốc gia này về đều tấm tắc khen kỷ luật giao thông của nước bạn tốt.
Đa số đều nói là "rất sợ vi phạm vì nước bạn xử rất nghiêm". Thế nhưng, cũng những người ấy, khi trở lại Việt Nam thì đi lại, chạy xe trên đường phố rất vô tư, có cơ hội là một số người sẵn sàng vượt đèn, lấn len, leo lề…
Singapore, Thái Lan hay bất cứ quốc gia phát triển nào cũng vậy, tất cả đều phải đi qua giai đoạn "hoang dã" trước đó. Singapore, để trở thành một quốc gia sạch sẽ bậc nhất thế giới như hiện nay, phải mất nhiều chục năm trừng trị thẳng tay những người khạc nhổ ra đường. Cũng vậy, họ thẳng tay trừng trị bất kỳ ai vi phạm luật giao thông, dù mang quốc tịch nào.
Ở nước ta, luật không thiếu nhưng việc thực thi có lúc có nơi còn chưa hiệu quả. Tình trạng "xin xỏ, gợi ý" trong xử lý vi phạm giao thông có giảm nhưng vẫn còn phổ biến. Đó chính là mảnh đất nuôi dưỡng tâm lý xấu là sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn làn, leo lề của nhiều lái xe cả ô tô lẫn xe máy. Phạt thật nghiêm thì sẽ giảm. Bài học kinh nghiệm về xử lý nồng độ cồn cho thấy: chế tài thật nặng sẽ tạo ra ý thức.
Cho nên, thiển nghĩ: Việc thí điểm bỏ đếm lùi để tổ chức phương án giao thông linh hoạt, phù hợp thì cứ tiến hành để rút ra bài học. Riêng việc xây dựng ý thức giao thông tốt hơn, thì ngoài các giải pháp quản lý, cứ phải siết chặt chế tài. Ý thức không thể được tạo ra bằng những cuộc vận động, mà phải bằng kỷ luật. Giữ được kỷ luật lâu sẽ thành ý thức.
Cho nên, đèn giao thông có đếm lùi giây hay bỏ đếm lùi giây cũng chỉ là giải pháp quản lý hỗ trợ việc tổ chức giao thông. Còn để xây dựng ý thức giao thông bền vững, tiến tới một xã hội có ý thức giao thông văn minh, thì kỷ cương về pháp luật giao thông phải được thực thi nghiêm minh, triệt để, công minh. Đó là điều tiên quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận