Thời sự

Thầy giáo bị ung thư vẫn nuôi hy vọng đứng lớp

19/11/2014, 13:49

Đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, nhưng thầy giáo trẻ vẫn đầy tâm huyết với nghề. Thầy được học trò yêu mến, khâm phục bởi nghị lực phi thường vượt lên số phận... gieo chữ nơi vùng cao.

Thầy Chính đứng giữa với các học trò thân yêu của mình
Thầy Chính đứng giữa với các học trò thân yêu của mình

Thầy giáo trẻ tâm huyết...

Thầy giáo Phạm Văn Chính (36 tuổi, thôn km3, xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) luôn được mọi người xung quanh yêu mến, kính phục bởi lối sống giản dị, hiền lành và sự nhiệt tình gieo con chữ cho các em học sinh vùng cao.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh éo le, năm lên 2 tuổi, cha chết, 10 năm sau mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc. Người em gái lưu lạc được người ta nhận nuôi, còn lại hai anh em trai về sống cùng với bác.

Bằng ý chí và nghị lực, thầy Chính quyết tâm học và thi đỗ vào trường CĐ Sư Phạm Lào Cai. Cuối cùng mơ ước đó đã trở thành hiện thực, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp trên tay thầy Chính được cử về trường, tiểu học Nâm Khánh, (Bắc Hà, Lào Cai) công tác.

Ngôi trường nhỏ nằm trên núi cao, đón thêm một người thầy mới với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng tinh tường. Mang tri thức và lòng nhiệt huyết đến với bản nghèo.

Thầy luôn nhiệt tình trong công việc, luôn tư duy, sáng tạo ra nhiều cách giảng dạy khác nhau để sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, thầy dạy môn toán rất cuốn hút, biến những con số khô khan, phép tính cộng, trừ, nhân chia thành những tình huống hay những bài đố vui, làm cho học sinh của mình say mê học hỏi. Sau này nhà trường thấy Thầy Chính có chuyên môn tốt, thường xuyên phân công dạy các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi.

Ngoài ra, thầy còn tham khảo và tìm những cách giải toán trên internet giúp cho học trò làm quen với hệ thống máy tính để các em không bị bỡ ngỡ khi lên lớp trên.

Thầy Chính có rất nhiều bằng khen trong suốt quá trình đi dạy
Thầy Chính có rất nhiều bằng khen trong suốt quá trình đi dạy

... và tai ương ập đến

Sau khi lấy vợ, sinh con - hạnh phúc giản dị đã đến với thầy Chính, nào ngờ cuộc sống khó khăn khiến người vợ đầu tiên cạn tình, bỏ lại thầy với cảnh "gà trống nuôi con". Đến năm 2007 cảm thông trước hoàn cảnh thầy Chính, chị Vũ Thị Thúy đem lòng cảm mến thầy giáo nghèo.

Hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười lần hai, nào ngờ tai ương lại ập tới, khi vừa chào đời cháu Phạm Quốc Thái (SN, 2008) đã mắc phải căn bệnh bại não sống thực vật. Sau nhiều lần chữa trị bệnh không thuyên giảm. Buồn hơn nữa là cháu Phạm Vũ Anh Khoa (SN, 2010) cũng mắc phải căn bệnh xuất huyết tiểu cầu mãn tính. Cộng thêm kinh tế gia đình eo hẹp, mọi trách nhiệm lo toan lại đặt nặng lên vai thầy Chính.

Trải qua nhiều biến cố lớn, thế nhưng tình yêu của thầy Chính với học trò vẫn như xưa. Thầy lên lớp đều đặn, hăng say truyền tri thức qua từng tiết học cho con trẻ.

Chia sẻ những khó khăn trước mắt nhưng thầy Chính vẫn lạc quan: "Đã có lúc tôi muốn gục ngã khi nghĩ về các con, nhưng chuyện gia đình không để ảnh hưởng đến công việc. Bọn trẻ ở đây ngoan lắm! Chúng ham học hỏi, là một người thầy tôi cần phải truyền hết những kiến thức tôi có được và phải đấu tranh với nạn mù chữ ở vùng cao".

Sau nhiều lần đứng lớp thầy hay bị ho và đau đầu nhưng do chủ quan thầy Chính không đi khám.

"Một hôm đang đứng lớp bệnh cũ tái phát anh Chính xin nghỉ. Về nhà nằm mấy hôm không thấy đỡ, mình mẩy không cử động, liệt má phải dẫn đến méo mồm không nói được. Gia đình đã đưa anh đi khám", vợ thầy cho biết. Cầm kết quả phiếu xét nghiệm trên tay, người vợ chết lặng bởi bác sỹ kết luận: u phổi giai đoạn cuối di căn lên não.

Từ ngày thầy Chính nhập viện, người vợ dường như mất ăn mất ngủ. Nỗi lo cho các con, giờ đây chồng lại bệnh tật như vậy chị không biết phải làm sao.

Nằm viện nhưng vẫn nhớ trường, lớp

Nằm điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng trong lòng thầy Chính lúc nào cũng canh cánh nghĩ về học trò của mình.

“Lắm hôm đang ngủ anh ý còn nằm mơ, miệng cứ lẩm bẩm các con số, rồi đặt ra phép tính nhìn mà xót xa, âu cũng là cái số sao ông trời lại nỡ đầy đọa gia đình tôi khổ vậy. Thương lắm! Nhưng biết làm sao được. Nhớ trường, nhớ lớp anh bắt tôi gọi điện nói chuyện với học sinh” - cô Thúy (vợ thầy) chia sẻ mà không nén nổi cảm xúc.

Nhìn dáng người bé nhỏ phải chống lại căn bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện của thầy Chính, ai vào thăm cũng chạnh lòng xót xa.

Phải điều trị ung thư tại bệnh viện nhưng thầy Chính lúc nào cũng hướng về trường, về lớp học
Phải điều trị ung thư tại bệnh viện nhưng thầy Chính lúc nào cũng hướng về trường, về lớp học

Thấy người lạ hỏi thăm về lớp học vùng cao thầy Chính như trút được bầu tâm sự: Thôn Nậm Khánh nơi 100% dân số là đồng bào dân tộc, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, cái ăn còn chưa đủ no nên việc vận động các em đến trường hết sức khó khăn, nhất là vào những ngày mùa. Nhiều em 4 đến 5 tuổi mặc dù còn nhỏ nhưng đã phải trông em, lớn hơn thì chăn trâu cắt cỏ, nấu cơm. Vì hoàn cảnh khó khăn, có em còn không biết hết mặt chữ đã phải nghỉ học".

Với lòng yêu nghề và tận tâm với công việc, mỗi khi có học sinh nghỉ học là thầy Chính lại đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, nhẹ nhàng khuyên bảo gia đình cho các em đi học. “Chỉ có học mới giúp các em thoát khỏi cuộc sống làm nương, làm rẫy, khổ cực vất vả”, thấu hiểu tình cảm của thầy, các em đều cố gắng đến trường.

Thầy Chính cho biết chỉ mong muốn mình được khỏe lại để được tiếp tục đứng lớp, dạy dỗ các em học sinh. Bởi đó chính là niềm vui, là động lực giúp thầy chiến đấu mọi bệnh tật.

Thầy giáo, Lê Thanh Tuyến, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Khánh, nơi thầy Chính dạy học cho biết: “Ở trường thầy Chính luôn nhiệt tình trong công việc, luôn giúp đỡ đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi. Được học sinh yêu mến, kính trọng. Về chuyên môn không có gì phải chê trách, thầy luôn bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt học sinh giỏi toán qua Internet năm nào cũng đạt lao động tiên tiến, năm vừa rồi thầy Chính còn được công nhận chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”.

Hiện tại, thầy Chính đã được chuyển về nhà, nhưng vẫn chưa đi dạy được, do bệnh nặng và hàng tháng phải xuống Hà Nội chạy chữa, sức khỏe thầy ngày một yếu đi.

Với thầy Chính niềm vui nhất bây giờ là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, mong các em có nhiều tri thức để xây dựng mảnh đất vùng cao từng bước thoát khỏi khó khăn.

Quỳnh An

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.