Một bệnh nhân mổ ung thư thanh quản giai đoạn muộn vì chủ quan |
Khàn tiếng cứ ngỡ viêm họng
Vừa trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ khối u thanh quản, việc ăn, thở của ông Nguyễn Thanh H. (Thanh Trì, Hà Nội) hoàn toàn phụ thuộc vào ống xông đặt mở tại vùng yết hầu. Việc chăm sóc vô cùng khó khăn vì vết thương hở, thường chảy dịch. Theo vợ ông H., từ 3 tháng trước ông H. đã có dấu hiệu khàn tiếng, nhưng cứ ngỡ viêm họng vì ông có kèm theo ho. Ông H. tự mua thuốc về uống nhưng mãi không đỡ mới đi khám. Bước đầu phát hiện có u sùi ở thanh quản, ông H. được giới thiệu đi khám chuyên sâu. Không ngờ, lên đến BV Tai Mũi Họng T.Ư, ông H. được chẩn đoán ung thư thanh quản, nhưng đã bước vào giai đoạn muộn nên buộc phải phẫu thuật mở, cắt phần dây thanh quản.
"Tỷ lệ ung thư đầu cổ nói chung đứng cao nhất nhì trong các bệnh ung thư ở Việt Nam. Ung thư vùng đầu cổ gồm: Vòm, thanh quản, hạ họng, tuyến giáp… Thường gặp nhất là ung thư vòm hạ họng, thanh quản với tỷ lệ rất cao, đa phần có liên quan đến hút thuốc lá, rượu bia nhiều." PGS. Võ Thanh Quang |
May mắn hơn là trường hợp ông Trần Minh H. (Đà Nẵng), đến với BV Tai Mũi Họng ở giai đoạn ung thư thanh quản sớm, nên được mổ laser nội soi, bảo tồn thanh quản. Theo người nhà ông Minh H., khi ông ho nhiều và khàn tiếng đã đi khám ngay. Tuy nhiên, gia đình cũng cân nhắc việc nên điều trị bệnh viện trong nước hay ở nước ngoài vì mục đích cần bảo tồn giọng nói. “Cân nhắc khá nhiều, gia đình quyết định đến với BV Tai Mũi Họng để phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, ung thư thanh quản đã triệt căn và may mắn là giữ được giọng nói dù có hơi khản hơn bình thường đôi chút”, người nhà ông Minh H. cho biết.
Theo PGS. Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung bướu, BV Tai Mũi Họng T.Ư, bệnh ung thư thanh quản ngày càng trẻ hóa, nếu trước kia chủ yếu ở nam giới thì giờ đây phụ nữ cũng mắc nhiều, thậm chí, có cháu 6 tuổi đã bị u thanh quản ác tính. “Với ung thư thanh quản, việc phát hiện sớm mang lại cơ hội điều trị hiệu quả, triệt căn ung thư, bảo tồn giọng nói… lên đến 90%”, ông Kỳ cho biết.
Đánh giá nguyên nhân gây ung thư thanh quản, theo ông Kỳ, hiện chưa có nghiên cứu để chỉ ra nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, hút thuốc lá được đánh giá là yếu tố gây bệnh u thanh quản phổ biến nhất; ngoài ra, không loại trừ các yếu tố khác như rượu, bia, môi trường sống, thực phẩm không tốt…
Khàn tiếng 5-7 ngày, cần đi khám chuyên khoa
Theo PGS. Võ Thanh Quang, Giám đốc BV Tai Mũi Họng T.Ư, bất kỳ ai có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài 5-7 ngày không đỡ nên đi khám, nhằm sàng lọc sớm ung thư thanh quản. Việc sàng lọc hiện nay được thực hiện khá đơn giản qua khám nội soi. Đáng lưu ý, hiện tại BV có máy nội soi phát hiện sớm ung thư từ khi ung thư nằm dưới niêm mạc mà nội soi thường không nhìn thấy được.
“Nhiều người chủ quan, để đến khi khó thở, khó ăn đã là quá muộn, khiến tỷ lệ điều trị thành công thấp”, ông Quang khuyến cáo.
Còn theo PGS. Lê Minh Kỳ, nếu được phát hiện sớm ung thư thanh quản, bệnh nhân có thể được phẫu thuật laser nội soi, can thiệp tối thiểu. Phương pháp phẫu thuật nội soi khó hơn phẫu thuật mở, nhưng mang lại lớn ích lớn cho bệnh nhân, tổn thương ít nhất, không phải rạch mở cổ, ít mất máu, ít nguy hiểm. Đặc biệt, việc mổ nội soi laser nhìn qua kính hiển vi cũng giúp cắt, đốt khối u được triệt để hơn và tỉ lệ tái phát thấp hơn… Sau phẫu thuật, bệnh nhân không phải tập ăn, phục hồi nhanh, chức năng nói trước mắt khàn nhưng sau 1 - 2 năm sẽ tốt. Do vậy, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và được phẫu thuật bằng phương pháp này, tỷ lệ thành công trong điều trị ung thư thanh quản lên đến 90%. Hiện, ở Việt Nam, BV Tai Mũi Họng T.Ư là bệnh viện đầu tiên áp dụng kỹ thuật này. Điều quan trọng không kém là chi phí để thực hiện phẫu thuật laser nội soi ung thư thanh quản trong nước so với nước ngoài chỉ bằng 1/30. Ví như chi phí phẫu thuật cùng thuốc điều trị cho ung thư thanh quản chỉ khoảng 20-30 triệu đồng thì ở Singapore riêng chi phí phẫu thuật ước tính 1 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận