Hình minh họa |
Chúng tôi, những đứa trò nhỏ đứng quây quanh thầy len lén lau nước mắt. Thầy nằm ngủ giấc ngàn thu trong tư thế bình thản nhất. Tay thầy cầm cuốn sách đang đọc dở đặt ngay ngắn trên bụng. Lúc niệm, tôi là người chạy lại gập sách. Đó là cuốn Không gia đình của Hecto Malot được thầy nâng niu bọc thêm một lớp bìa màu gụ.
Lúc chúng tôi đến, mặt thầy hồng hào, tay thầy còn hơi ấm. Như thể thầy vẫn đang say giấc đấy thôi. Chỉ chút nữa thức dậy, thầy sẽ bảo ở ngoài vườn còn vài quả na cuối mùa chắc đã chín. Đằng sau nhà đã có sẵn rổ ổ đào thầy hái để phần nên đừng đứa nào trèo leo nữa. Còn vườn táo mới ra hoa chớ chạy đùa mà rụng hết. Rồi thầy sẽ gập sách lại, ra vườn chăm chút đám rau.
Mẹt cá khô phơi trên nong đã quá nắng, thường ngày thầy sẽ mang chia cho đám học trò nghèo. Quà của thầy bao giờ cũng thêm thắt vào những bữa cơm. Khi thì ít củ cải khô, khi thì đỗ lạc, cũng có khi là cua ếch thầy bắt dưới đồng. Mỗi lần trò tần ngần không dám nhận là thầy bảo “thầy chỉ có một mình, ăn uống có là bao”.
Ngày thầy đi, lá vàng rơi hết đợt này đến đợt khác. Cây cối trong vườn trụi trơ trong một chiều nắng màu mỡ gà. Chúng tôi ngước lên trời xót xa gọi “thầy ơi”…
Ngày trẻ, trong quãng đời lang bạt, thầy dừng chân lại nơi này với nghề dạy học. Không ai biết quê quán thầy ở đâu, cha mẹ còn hay mất. Thầy không có ai ruột thịt cũng chẳng anh em xa gần nên nhẽ ra không có lễ phát tang. Nhưng hai tư đứa học trò nhất quyết xin được chịu tang thầy bằng một vành khăn trắng.
Mộ thầy nằm ngay trên đồi bạch đàn, đất đá sỏi cằn cỗi đến mức xót xa từng nhát cuốc. Nghèo thì nghèo thật nhưng từng ấy đứa học trò thay nhau cúng cơm cho thầy đầy đủ. Một bát cơm trắng, một quả trứng luộc và hoa quả trong vườn nhà thầy sót lại cuối mùa. Thêm hai mươi tư tờ giấy báo thi đỗ cấp III cũng được dâng thầy cùng một ngày.
Nhớ lời thầy dặn có ăn khoai, ăn sắn cũng phải no cái chữ. Bốn năm được thầy chủ nhiệm là quãng thời gian cắp sách tới trường đầy ý nghĩa. Không cần đòn roi hay những lời dọa nạt, thầy vẫn dạy học trò nên người bằng cái dáng cặm cụi, nhẫn nại, hy sinh. Từng bài giảng môn văn dung dị mà sâu sắc như chính cuộc đời thầy vậy.
Giọng thầy trầm ấm, dù nghe kỹ sẽ thấy cả gió sương thấm đẫm. Thấy được nỗi cô đơn ứ nghẹn trong từng lời chậm, buồn, day dứt. Đấy là bố tôi bảo vậy mỗi khi cùng thầy nâng chén rượu suông. Chứ tuổi chúng tôi còn bé bỏng nào đâu hiểu được nhiều.
Thầy thỉnh thoảng cũng say. Chuyện đó bình thường thôi, tất cả học trò và phụ huynh đều chẳng thấy phiền lòng. Bố thỉnh thoảng lại sai tôi lên nhà mời thầy xuống chơi. Rượu sắn, thêm mấy quả khế chua thái lát chấm muối trắng hoặc hái ít ổi ương, cóc xanh là thành bữa nhậu.
Rượu vào, thầy sẽ nói nhiều hơn thường ngày. Nói về những trăn trở với trường lớp khi mấy bức tường đắp đất đã thủng lỗ chỗ. Mái lá cọ đã mục nát, học sinh nhiều ngày mưa phải vừa ngồi học vừa đội mũ. Rồi thầy kể về những chuyến đi trong văn chương. Tôi đoán chúng đều nằm trên giá sách của thầy, trong những con chữ vương mùi gián nhấm.
Bố tôi ít chữ nhưng lại rất ham nghe thầy kể chuyện, đọc thơ. Bố thường tếu táo rằng, mời thầy uống rượu bao giờ cũng lãi to. Vừa có bạn hiền lại vừa học thêm bao điều lý thú. Người khác say còn chửi bới lung tung, thầy mà say chỉ nói lời vàng ngọc. Những lời được ủ men trong lòng thầy đã lâu, nếu không say chắc gì thầy đã nói.
Mấy anh em tôi thường vây quanh chiếu rượu, tựa cằm ngắm nhìn thầy. Nhiều khi thầy tươi vui, khuôn mặt bừng lên một ý thơ hay nào đó. Có lúc nghe thầy đọc giữa chừng thì bố khóc. Không biết tại men say hay tại thơ buồn? Và trong một lần say nào đó thầy có nói “phận tui là phận mồ côi”…
Thầy yêu. Hẳn nhiên đó cũng là một tình yêu mộc mạc. Yêu một góa phụ hơn thầy hai tuổi, người mà cả làng chỉ biết lắc đầu thương cảm mỗi khi nhắc đến. Người đàn bà tên Trầm ấy có gò má cao, nốt ruồi đón lệ. Hai đời chồng trước của cô đều chết thảm khi đi hái tầm gửi gạo. Leo gần đến ngọn cây cao chót vót thì rơi xuống đất. Người đoán bị chuột rút, người nghĩ bị ma đẩy, người thì quả quyết “ai bảo lấy vợ có tướng sát chồng”. Những người đàn bà góa khác trong làng có khối gã đàn ông ve vãn, tán tỉnh. Riêng Trầm của thầy ai cũng muốn tránh xa sợ tai bay vạ gió.
Chỉ có thầy không sợ, thương là thương đến kiệt cùng. Lương giáo viên của thầy chẳng được là bao nhưng thầy đều mang phụ cô Trầm nuôi hai đứa con nhỏ. Chẳng phải con mình mà ngó cách thầy xót chúng khi bị đau, lo lắng khi chúng bệnh sao mà giống một người cha.
Ngoài giờ dạy học ở trường, thầy chăm chỉ trồng vườn nên bát canh nhà cô Trầm luôn xanh. Thầy thầu đầm cá chung, vất vả ngày đêm nhưng bữa cơm nhà cô Trầm luôn có tí chất tanh để tụi nhỏ ăn ngon miệng. Thương thì thương vậy đấy mà chẳng bao giờ thấy thầy nói lời đưa đẩy. Cứ tôi với cô thế thôi, có mang sang cho cái gì cũng chỉ thấy thầy đứng ngoài cổng gọi vọng vào.
Trừ những lúc cô Trầm kêu thầy vào lợp lại mái bếp, đóng hộ mấy chân ghế gãy, nối lại đường điện chập chờn, thầy mới khom lưng bước vào căn nhà thấp lụp xụp ấy. Cũng có khi thầy sang dậy bọn nhỏ học thêm. Ai đi qua ngó vào cũng thấy dáng thầy gầy gò đang cúi xuống bên hai mái đầu non nớt. Có những hôm chạy qua nhà thầy chơi, thấy mình thầy lầm lũi cơm canh tôi chạnh lòng. Cột khói bếp đơn độc, mỏng manh bay tản lên trời. Tựa hồ như những tiếng thở dài thầy nén nhẹ ở trong lồng ngực. Ai cũng hỏi thương nhau để đấy thôi sao? Thầy cười bảo thường thì thương nhau người ta vẫn để trong lòng.
Thầy mất, giữa lúc dân làng đang bàn nhau khuyên thầy và cô Trầm góp gạo thổi cơm chung. Hôm đám tang thầy, cô Trầm đứng xiêu vẹo bên linh cữu. Trời hôm đó có gió, gió thổi tạt cả vào lòng cô điêu đứng. Thêm ba vành khăn trắng khóc thầy. Lá đổ vàng rơi rơi tiễn thầy đi.
Người lớn nói chắc do thầy bị cảm, cũng có người xót thầy thương ai không thương lại thương người đàn bà ấy. Nhưng chúng tôi đều không nghĩ vậy, thầy đã đi theo gánh xiếc của ông cụ Vitali cùng cậu bé Rêmi. Một chuyến đi đầy lý thú mà chắc vì nhập tâm với trang sách quá nên thầy đã bị hút về thế giới đa sắc màu ấy. Chuyến đi của những người không gia đình nhưng tha thiết thương yêu. Mà sau này khi đã đọc trọn cuốn tiểu thuyết ấy, tôi đã nghĩ thầy may mắn làm sao khi được gặp cả chú bé nghệ sĩ Matchia khôn ngoan, linh lợi và có trái tim ấm áp. Cùng chú khỉ Giôlicơ láu cá, chú chó Capi khôn ranh như một con người.
Đã có lúc giữa cuộc đời buồn khổ, tôi từng ước giá mà mình cũng có thể trôi vào trang sách bằng một giấc ngủ thanh thản như thầy. Và biết đâu, tôi sẽ được gặp thầy ở một xứ sở khác. Tôi sẽ vẫn là cô học trò nhỏ của thầy. Thích nghe thầy kể chuyện, thích nhìn thầy chăm vườn, thích ngồi ngắm thầy say. Thích những buổi thầy giảng văn mộc mạc mà thấm đẫm tình yêu với con người và cuộc sống xung quanh.
Ngôi nhà trên đồi cây bạch đàn của thầy mưa nắng đã mục nát nhiều. Năm ngoái, dân làng tập trung lợp lại để lấy chỗ hương khói cho thầy. Cô Trầm vẫn chăm sóc mảnh vườn nhỏ ấy, cây cối bốn mùa hoa trái dù đất đai theo năm tháng đã cằn cỗi đi nhiều. Những đứa học trò nhỏ thỉnh thoảng vẫn về thăm thầy. Vẫn có na cuối vụ, táo đầu mùa, hè sau nhà vẫn gió về mát rượi.
Ngôi trường cấp II mà chúng tôi từng theo học giờ đã khang trang hơn nhiều. Trường xây ba tầng với lớp sơn mới, những ô cửa màu xanh luôn tràn ngập tiếng cười. Thầy cô giáo bây giờ cũng xúng xính áo dài, quần tây đóng thùng đi dạy bằng xe máy.
Không còn cảnh mặc quần áo bạc màu, đạp xe lóc cóc đến trường như thầy ngày xưa nữa. Mọi thứ dù đổi khác vẫn không thể nào xóa sạch được ký ức trong tôi. Chỗ kia từng là bức tường trường cũ đổ xiêu vẹo. Thầy và người dân trong làng đi xin tre khắp nơi, chở xe bò rơm rạ trộn đất đắp tường.
Giữa buổi trưa nắng, thầy mệt mỏi nghỉ lưng dưới gốc cây và pha một ấm trà. Tay thầy run vì đuối sức nên trà chưa chạm môi đã sánh tung tóe ra ngoài. Tôi ngửi thấy mồ hôi thầy mằn mặn. Thầy hỏi bâng quơ “có ai đó hát lên không nào?”. Và trong nhóm học trò một giọng hát trong trẻo cất lên. Thầy tựa lưng vào gốc cây, ngửa mặt lên trời nheo mắt nhìn vòm lá. Tất cả như mới hôm qua, chỗ kia thầy từng ngồi, chỗ kia nước trà sánh rơi xuống đất…
Tôi bây giờ thỉnh thoảng hay bị đứng hình mỗi khi đi qua một cung đường nào đó nhìn thấy lá rơi. Dù đang ở một thành phố xa xôi hay trên một miền quê nghèo dung dị. Tất cả đều có cớ để tôi nhớ về thầy, nhớ về ngày thầy ra đi rừng cây trút lá tiễn người.
Vẫn là cảm giác thắt nghẹn nơi lồng ngực dù luôn nghĩ chỉ là thầy đang bắt đầu một cuộc hành trình mới mà thôi. Mộ thầy mùa này rộ hoa cỏ may. Ai đến thăm cũng vương vấn nơi chân quần gấu áo. Tôi muốn một buổi chiều nào đó về thăm thầy, ngồi đọc vài trang sách bên mộ cỏ. Tôi muốn hỏi thầy xem vì sao mình đã cố tình đi lạc hoài vào rất nhiều cuốn sách. Mà vẫn không gặp được thầy ở những thế giới xa xôi…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận