Xem - ăn - chơi

Thày và trò

22/04/2017, 10:13

Thày Khoa nhăn mặt. Lấy tay gõ lên trán. Thói quen của thày mỗi khi phải suy nghĩ điều gì đó.

26

Thày và trò - Ảnh minh họa

Thày Khoa nhăn mặt. Lấy tay gõ lên trán. Thói quen của thày mỗi khi phải suy nghĩ điều gì đó. Lần này, cũng như bao lần khác là vì một học sinh. Hơn 20 năm giảng dạy, chưa bao giờ thày gặp một trường hợp cá biệt đến mức như thế này. Nhà trường đã quyết định đưa học sinh này ra hội đồng kỷ luật. Gần như chắc chắn, Huy Quang sẽ bị đuổi học.

Ngày đầu tiên đến trường, cậu xuất hiện không khác gì một minh tinh màn bạc. Không mặc áo trắng, quần đen như nội quy của nhà trường, mà mặc áo in hình chim cò, quần trắng. Đi bằng xích-lô. Nhảy xuống xe khi toàn bộ học sinh đang chuẩn bị làm lễ đón năm học. Một vài tuần sau, cậu là tác giả của dòng chữ “Tôi sinh ra không phải để ngồi học”, nhái theo câu nói của tướng cướp Bạch Hải Đường. Đặc biệt, khi thày hiệu phó hỏi ai là người viết, Quang tự đứng lên nhận mình là tác giả. Từ hai vụ việc này, cậu đã có tên trong sổ đen của nhà trường.

Còn hơn thế nữa, mỗi khi lớp học ồn ào, thày cô giáo tuyên bố rằng, nếu ai không muốn học, cứ đi ra ngoài, sẽ không bị ghi tên vào sổ đầu bài. Là y như rằng Quang đi ngay ra, cứ như học là một việc gì đó khủng khiếp và nặng nề. Nhưng đến hôm sau, Quang lại xung phong lên bảng trả bài, cứ như biết trước được ý định của thày cô giáo sẽ kiểm tra để xem cậu học trò này không ngồi học thì sẽ như thế nào.

Hoàn cảnh của Quang cũng đáng thương. Bố làm nghề đạp xích-lô, mặc dù Quang ghi trong học bạ là cán bộ. Thày Khoa biết vậy, bởi trong buổi họp phụ huynh, người đạp xích-lô ở gần cổng trường đứng lên nộp tiền quỹ cho Quang.

Trước khi lập hội đồng kỷ luật, thày Khoa muốn gặp riêng cậu học sinh này. Như việc thày vẫn từng làm với các học sinh cá biệt khác. Ngay việc này, thày Khoa cũng đã phải tranh luận với ban giám hiệu và hội đồng kỷ luật. Bởi, đối chiếu theo quy định, Quang phải bị đuổi học ít nhất là vài lần.

***

Nhìn thấy thày giáo, Quang giật mình rồi cúi đầu chào. Mời thày vào phòng khách. Ấp úng nói chỉ có mình em ở nhà. Lễ phép xin thày ngồi chờ để đi đun nước. Thày Khoa gật đầu. Trong lúc đó, thày đưa mắt quan sát căn phòng. Một tấm ảnh to chụp gia đình Quang. Bố mẹ, Quang và một bé gái. Vài tấm huân chương đề tên Huy Sinh. Chắc chắn là của bố Quang. Thày Khoa khẽ lắc đầu. Cậu học sinh này rất quái quỷ. Để tránh những cơn thịnh nộ của gia đình, dám nghĩ ra cách thuê ông đạp xích-lô đóng giả phụ huynh. Thày đưa mắt xuống hàng khung ảnh dưới. Thoáng giật mình. Một loạt bằng khen, giấy khen đề tên Quang được lồng trong khung gỗ, như thể hiện sự tự hào của cả gia đình.

Thày Khoa nhìn thẳng vào mắt Quang. Cậu học sinh hơi cúi đầu xuống. Thày Khoa nhanh chóng vào chuyện. Hôm nay, tôi đến để nói với em rằng, chỉ nay mai thôi nhà trường sẽ đưa em ra hội đồng kỷ luật. Với số buổi nghỉ học này của em, tất nhiên hình thức áp dụng sẽ là đuổi học.

Cậu học sinh ngang ngược cúi đầu xuống, rồi ngẩng lên nhỏ nhẹ: “Thưa thày, em không thiết tha lắm với việc học. Em chán. Em muốn tìm con đường khác. Có thể em sẽ trốn nhà đi làm, bởi học hay không thì sau này cũng chỉ để kiếm miếng ăn mà thôi”.

- Vì sao em chán? Thày Khoa hỏi

Quang khẽ cười: “Vì em không thích làm những việc dễ dàng như đi học”. Thày Khoa gật đầu nói: “Đồng ý với em. Nhưng thày muốn, em quyết định việc này khi em bình thường như các bạn khác. Nghĩa là không bị đuổi học”.

Quang gật đầu. Có vẻ như cậu học sinh đã ngấm dần lời của thày Khoa. Hoặc giả lòng tự ái trỗi dậy.

Đúng lúc đó, mẹ Quang từ Viện nghiên cứu về. Sau lời giới thiệu, mẹ Quang ngẩn người ra. Nhìn điệu bộ cũng như tác phong, thày Khoa đoán mẹ Quang phải là một phụ nữ có học thức và kinh nghiệm sống. Quang rúm người lại, mắt nhìn đi nơi khác. Thày Khoa cố giấu tiếng cười hài lòng. Bởi, thày biết, một thiếu niên biết sợ cha mẹ lo lắng, hiển nhiên, vẫn là một thiếu niên ngoan.

Thày Khoa nói, tôi xuống đây là để bàn với Quang số báo tường của lớp, bởi trong lớp, chỉ có em là người biết trình bày một tờ báo tường, hơn nữa, lại viết xã luận rất hay. Như trút được gánh nặng, mẹ Quang cười rất tươi, rồi thong thả đi vào nhà, sau khi xin phép để hai thày trò nói chuyện được tự nhiên. Khi đoán chắc mẹ đã đi vào phòng trong, Quang mới thở phào nhẹ nhõm. Nhân đà, thày Khoa rỉ rả tâm sự với Quang, truyền cho cậu học sinh cá biệt của mình những lý tưởng sống cao đẹp mà từ ngàn năm trước đến giờ, vẫn không có gì sai. Chỉ là đôi lúc, người ta dùng lý tưởng sống ấy vào những việc mưu lợi cho mình, như khoác một tấm áo đẹp cho một thân thể không còn đẹp chút nào.

Nghe thày Khoa nói một lúc, Quang thở dài. Rồi cậu hỏi, với vẻ do dự: “Thày có sống đúng như những gì thày nói không?”. Thày Khoa gật đầu. Quang nhìn thẳng vào mắt thày. Đôi mắt trong veo làm thày Khoa có cảm giác, đã không phí một buổi nói chuyện.

Đứng dậy tiễn thày. Quang đi rất chậm. Ra đến sân, cậu nói, nếu thày đã tin ở em, không bao giờ em để thày thất vọng. Em hứa. Thày Khoa nắm chặt tay cậu học trò: ”Thày tin ở em”.

Hôm sau. Đứng trước hội đồng kỷ luật, thày đề nghị cho Quang một cơ hội. Rồi thày kể về hoàn cảnh gia đình Quang và những lời hứa của Quang. Cả hội đồng kỷ luật không đuổi học Quang mà còn rất vui vẻ. Bởi, nếu đúng như lời thày Khoa, đương nhiên đó là việc rất tốt. Còn nếu không, đuổi học vẫn chưa muộn.

Học kỳ sau. Quang làm đúng lời hứa. Chép bài đầy đủ. Không nói một câu nào trong lớp, trừ đứng lên phát biểu. Chỉ hoạt bát trong giờ ra chơi. Tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Chan hòa với bạn đồng học. Cả trường không ai tin nổi. Chỉ riêng thày Khoa là tin. Bởi, thày biết, những lời nói của thày đã có tác động đến Quang.

***

Một hôm. Trời mưa. Chiếc ôtô đỗ trước cửa nhà thày. Ở trong nhà, thày Khoa nghe loáng thoáng có tiếng mời giáo sư xuống xe. Vị giáo sư trẻ bước vào nhà. Quang cúi đầu lễ phép chào thày giáo cũ. Ông giáo Khoa vui lắm. Cũng phải mười mấy năm mới gặp lại cậu học trò ngỗ ngược ngày nào. Cũng là bởi vì, lâu lắm rồi không ai đến thăm thày một mình cả.

Quang không nói về những thành công của mình. Vị giáo sư trẻ đã đủ chín chắn và hiểu đời để biết rằng, nên dành cả buổi thăm hỏi này cho tình thày trò. Anh cảm ơn ông giáo, bởi nếu không có chuyện ngày nọ, chắc chắn tương lai của anh sẽ khác. “Hồi đó, tuổi trẻ bồng bột, hơn nữa, lứa chúng em bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện về giang hồ lãng tử nên máu phiêu lưu lúc nào cũng rừng rực trong người, rồi chả biết sẽ ra sao”, Quang nói. Ông giáo già gật đầu. Nói với học trò cũ của mình rằng: “Thày biết là em sẽ nghe lời. Bởi, thày đã đánh vào lòng tự ái của em”.

Quang lắc đầu: “Không phải, thưa thày”. Ông giáo già ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên hơn khi Quang nói: “Em thấy phục thày không phải vì thày đã tin em, lại càng không phải vì thày đánh trúng tự ái của em. Điều đó bố em làm tốt hơn thày. Mà chỉ vì, chưa có một thày giáo nào đã vì em mà nói dối. Nếu hôm đó, thày kể với mẹ em về những lỗi em gây ra, chưa chắc em đã phục thày. Bởi, trước đó, mặc dù em là học sinh giỏi, nhưng đã có nhiều thày cô đến nhà em và kể tội em cho bố mẹ em nghe. Em không thích điều đó. Em cho rằng, điều đó đồng nghĩa với sự bất lực”.

Ông giáo già ngẩn người. Rồi khẽ mỉm cười.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.