Trong khi thế giới mới bắt đầu ứng dụng công nghệ 5G, trong đó Việt Nam vừa thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên vào tháng 5/2019 thì nhiều cường quốc công nghệ trên thế giới đã bắt đầu tính đến chuyện phát triển công nghệ 6G.
Sự bất ngờ đến từ châu Á
Hiện tại, đã có một số quốc gia đang đi đầu về công nghệ phát triển tiêu chuẩn truyền thông không dây nhưng đó không phải là Mỹ hay các nước châu Âu mà lại là các quốc gia đến từ châu Á. Trong đó, tại Hàn Quốc, Tập đoàn Viễn thông SK Telecom đã bắt đầu đặt chân lên con đường phát triển 6G khi thông báo sẽ phối hợp với một số công ty thiết bị viễn thông như Nokia và Ericsson để nghiên cứu, phát triển công nghệ này.
Các công ty này đã cùng ký Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó các bên sẽ cùng nghiên cứu công nghệ truyền thông có độ tin cậy cực cao và độ trễ thấp (Ultra-Reliable and Low-Latency Communication - URLLC), các hệ thống 28GHz và 5G độc lập để ứng dụng cho các hệ thống thương mại.
Tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Hàn Quốc là Samsung cũng đang chạy đua phát triển 6G. Chia sẻ với Bloomberg, Phó chủ tịch Samsung, ông Yay Y.Lee cho biết, Samsung sẽ theo đuổi đầu tư hệ thống di động thế hệ thứ 6 để mở đường cho hoạt động kinh doanh tương lai. Nội bộ công ty đã mở nhiều cuộc bàn thảo tập trung vào các công nghệ blockchain, AI và 6G.
Công ty LG Electronics, một tập đoàn đa quốc gia khác của Hàn Quốc và là đối thủ của Samsung đã thiết lập trung tâm nghiên cứu 6G từ đầu năm 2019 cùng với một Viện Khoa học và Công nghiệp Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).
Trong thông cáo báo chí, Giám đốc Kỹ thuật của LG, ông Park IL-pyeong bày tỏ nguyện vọng của công ty là đi đầu trong công nghệ 6G: “Để mở phòng nghiên cứu 6G, chúng tôi sẽ tăng cường nghiên cứu và phát triển hệ thống di động thế hệ thứ 6, từ đó đóng vai trò tiên phong trong tiêu chuẩn hoá toàn cầu và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới”.
Thời gian gần đây, Hàn Quốc cũng nổi lên là quốc gia đi đầu về việc áp dụng và triển khai công nghệ. Trong khi Mỹ đang cân nhắc đối tác triển khai hệ thống 5G thì Hàn Quốc đã gần đạt được 1 triệu người sử dụng dịch vụ hệ thống 5G.
Tại Trung Quốc, dù Huawei đã đi tiên phong trong công nghệ 5G nhưng công ty này cũng không “ngủ quên trên chiến thắng” mà đang nỗ lực hướng tới tương lai công nghệ không dây.
Không chỉ riêng các quốc gia châu Á, Phần Lan cũng đang chạy đua đón đầu công nghệ viễn thông thế hệ thứ 6. Nước này đã công bố dự án quốc gia chế tạo công nghệ 6G mang tên 6Genesis, kết nối trong khuôn viên Đại học Oulu.
Phần Lan đã tập hợp các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và công ty công nghệ thông tin muốn khai thác cơ hội cùng chung tay phát triển công nghệ không dây mới. Chương trình nghiên cứu dự kiến trong vòng 8 năm, được cấp vốn lên tới 251 triệu euros.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ tham vọng 6G qua một chia sẻ trên tài khoản Twitter: “Tôi muốn 5G, thậm chí là 6G phải có ở Mỹ càng sớm càng tốt. Công nghệ này phải mạnh hơn, nhanh và thông minh hơn tiêu chuẩn hiện tại. Các công ty Mỹ cần nỗ lực hơn nữa nếu không sẽ bị tụt lại phía sau”.
6G sẽ hội tụ ưu điểm của các nền tảng cũ
Có lẽ phải tới năm 2030, 6G mới có thể sẵn sàng đưa ra thị trường, nhưng nhóm phát triển công nghệ 5G của Bộ Thông tin và Công nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu về 6G từ năm 2018. Cuối năm 2019, Bộ Công nghệ và Khoa học Trung Quốc công bố kế hoạch ra mắt chương trình nghiên cứu hợp tác quốc gia tập trung vào phát triển công nghệ 6G.
Tháng 3/2019, một Hội nghị Thượng đỉnh 6G đã được tổ chức tại Phần Lan. Sự kiện đầu tiên trong lĩnh vực này chính là nỗ lực để bắt đầu tiến trình thành lập và đi tới đồng thuận về tiêu chuẩn 6G trên toàn cầu về công nghệ này dù mới đang ở giai đoạn rất sớm.
6G dự kiến sẽ cung cấp một băng thông rộng khoảng 1Terabyte/giây (Tbps). Tốc độ và độ trễ sẽ được cải thiện nhờ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Báo cáo gần đây do công ty nghiên cứu và cố vấn thị trường Mind Commerce chỉ ra, với công nghệ viễn thông thế hệ thứ 6, độ trễ sẽ rất thấp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi điều về 6G mới dừng lại ở phỏng đoán và chưa ai rõ liệu hệ thống này có cần một nền tảng mới hoàn toàn chẳng hạn như một cách mới để hệ thống các máy tính hay chỉ nâng cấp từ hệ thống 5G hiện tại.
Về câu hỏi này, giới chuyên gia cho rằng, cũng giống như nhiều lĩnh vực công nghệ đang phát triển khác, chắc chắn các kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để vừa có thể tận dụng, vừa có thể phát huy những ưu điểm của các nền tảng 4G, 5G vào nền tảng 6G sẽ sớm có mặt trong tương lai rất gần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận