Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến gần 8h30 sáng nay (15/10), nhiều xe ô tô của các đơn vị chức năng đậu bên trong khuôn viên trưởng Tiểu học và THCS xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) bên đường Tỉnh lộ 11B.
Tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 11B lên thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang được các lực lượng chức năng ứng trực chốt chặn, chỉ xe của các cơ quan, đơn vị chức năng mới được phép vào.
Tại khu vực này, rất nhiều phóng viên các báo túc trực.
Tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 11B lên nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 hơn 30km, băng qua nhiều đồi núi, được đánh giá là nguy hiểm hơn đường đèo Hải Vân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, trong những ngày qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế điều động máy móc thiết bị khẩn trương xử lý các vị trí bị sạt lở để mở đường sớm nhất vào đến thủy điện Rào Trăng 3 phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Vị trí ngầm tràn thứ 2 từ Tỉnh lộ 11B vào trên con đường này vào ngày hôm qua cũng đang được các đơn vị ngành GTVT gia cố, xếp rọ đá.
Những ngày qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp vào hiện trường, đôn đốc các đơn vị chức năng ngành GTVT, quản lý dự án giao thông tập trung tối đa lực lượng, phương tiện chuyên dụng mở đường sớm nhất tiếp cận hiện trường sạt lở.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đặc thù địa hình, thời tiết khiến việc triển khai các phương án mở đường gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị tập trung tối đa, triển khai 24/24 giờ góp phần đưa các đơn vị cứu hộ, cứu nạn trực tiếp vào khu vực sạt lở.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, sáng 14/10, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường các điểm sạt lở từ 3 mũi: đường không (máy bay trực thăng), đường thủy và đường bộ.
Mũi đường thủy, đoàn bắt đầu khởi hành từ lòng hồ thủy điện Hương Điền đi theo đường thủy đến thủy điện Rào Trăng 4. Sau nhiều giờ đi bộ, vượt rừng, băng thác, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận khu vực xảy ra vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3.
Tại hiện trường, nhiều khối đất đá sạt lở vùi lấp gần như toàn bộ nhà điều hành và các lán trại kề bên.
Tại đây, một số công nhân sử dụng máy xúc để tìm kiếm những đồng nghiệp đang bị vùi lấp dưới lớp đất đá.
Lực lượng đã cứu được 19 người đưa ra ngoài an toàn, trong đó có 2 chuyên gia người Ấn độ và 17 công nhân người Việt Nam; tìm được 1 thi thể đưa về bàn giao an táng. Phối hợp cung cấp một số thực phẩm cần thiết cho những công nhân đang ở lại thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận