Giáo dục

Thí sinh điểm cao chót vót vẫn trượt Đại học, vì sao?

06/10/2020, 11:14

Đăng ký quá ít nguyện vọng trong bối cảnh mặt bằng điểm thí sinh cao, điểm chuẩn nhiều trường chót vót khiến thí sinh điểm cao vẫn trượt.

img
Tất cả các trường hoàn tất việc công bố điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyến ĐH đợt 1 năm 2020

3 môn điểm 9 vẫn trượt

Lý giải về điểm chuẩn các trường đại học năm nay tăng cao, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, và do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.

Về việc điểm chuẩn nhiều ngành học năm nay tăng cao, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao, ví dụ như ngành Hàn Quốc học (khối C) của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN điểm chuẩn là 30 điểm, do chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông.

Đặc biệt, năm nay các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển như xét tuyển kết hợp, xét học bạ, xét tuyển thẳng và dành đến 40 – 50 chỉ tiêu cho các phương thức này nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT giảm gần 1 nửa so với mọi năm.

Do đó, điểm chuẩn một số ngành học năm nay tăng cao, gây sốc. Ngoài điểm chuẩn 30 khoa Hàn Quốc học (khối C) của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn nhiều ngành điểm ở mức 28 – 29 điểm (tính theo thang điểm 30). Mã ngành cao nhất là 29,04 điểm, Khoa học máy tính. Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành Công nghệ Thông tin là 28,1 điểm. Ngành Y Đa khoa - ĐH Y Hà Nội là 28,9 điểm.

161 trường đã đạt chỉ tiêu

Lý giải về việc nhiều thí sinh điểm cao nhưng trượt nguyện vọng 1, GS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho hay: Cơ hội phụ thuộc thí sinh có đăng ký đầy đủ nguyện vọng hay không. Nhiều thí sinh không hiểu được xét tuyển trên toàn quốc nên chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng, lại đều là nguyện vọng có điểm đầu vào tăng cao. Đến khi không đạt được nguyện vọng đã đăng ký thì không còn cơ hội nào khác nữa.

Bên cạnh đó, nhiều trường còn kèm theo các tiêu chí phụ nên không ít thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không đạt tiêu chí phụ cũng trượt.

Bà Thủy cũng cho hay, theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD&ĐT cũng đã thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để các em thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT. Đáng tiếc, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Đó cũng là nguyên nhân khiến thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển đợt 1.

Thông tin từ Bộ Giáo dục, xét tuyển đợt 1 có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh).

Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường có tỉ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ tháng 10/2020 đến hết năm, trong đó chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (chiếm 26,95% các trường).

Bà Thủy cũng cho biết Bộ Giáo dục khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1.

Bên cạnh đó các thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.