Vận tải

Thị trường vận tải bừng tỉnh sau “cú sốc” xe công nghệ

31/01/2020, 10:52

“Cú sốc” mang tên xe công nghệ như Grab, Uber khiến thị trường vận tải Việt phải thay đổi…

img
Xe hợp đồng và taxi chạy trên đường Võ Chí Công, Hà Nội. Ảnh: K.Linh

“Mượn” HTX làm bình phong

Trên chuyến xe khách từ Hà Nội về Nam Định cuối năm, trò chuyện với chúng tôi, lái xe Nguyễn Như Hòa kể, mình vừa là chủ cũng kiêm luôn cả lái xe và thuê người thu vé. “Cách đây gần chục năm, tôi mua chiếc xe 34 chỗ để chở khách. Khi đó, tôi nghĩ rất đơn giản, chỉ cần có xe là chạy. Sau vài lần bị phạt, tôi mới biết muốn kinh doanh vận tải phải có giấy phép và các điều kiện khác”, anh Hòa nói và cho hay, để có những điều kiện đó anh phải góp xe vào một HTX để được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải.

Tìm hiểu của PV tại một HTX dịch vụ vận tải trên địa bàn Hà Nội, mô hình quản lý, điều hành được thiết kế tối giản nhất có thể, HTX không hề có bộ phận theo dõi ATGT. Giám đốc HTX này chia sẻ chưa được tập huấn về nghiệp vụ vận tải, các thao tác trích xuất dữ liệu, thống kê vi phạm từ thiết bị giám sát hành trình.

Đây chỉ là một trong hàng trăm HTX vận tải hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Điểm chung của các HTX này là phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chủ yếu khoán trắng cho xã viên là chủ xe. HTX cung cấp cho xã viên những khâu dịch vụ như đăng ký tuyến, bến bãi và thu một khoản tiền làm dịch vụ. Xã viên của họ là các hộ gia đình chỉ có một vài xe, không có tiềm lực, không bộ máy quản lý, theo dõi ATGT. Theo quy định họ không được phép kinh doanh vận tải khách liên tỉnh nên phải “mượn” HTX làm bình phong. Loại hình kinh doanh manh mún như vậy khiến bức tranh vận tải trở nên phức tạp, khó quản lý.

Bức tranh vận tải nhỏ lẻ, manh mún đang được ví như thời kỳ bung ra của khoán nông nghiệp, “nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải”, đang để lại những hậu quả khó lường. Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Ðường bộ VN) Trần Quang Bình chia sẻ, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần. Tính đến nay, cả nước hiện có gần 2.700 doanh nghiệp, gần 600 HTX và hàng chục nghìn hộ kinh doanh vận tải với gần 100.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại.

“Hầu hết các đơn vị vận tải đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương pháp quản lý thủ công, điều hành yếu kém. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 60% số đơn vị vận tải tuyến cố định và hơn 82% số đơn vị vận tải hành khách hợp đồng chỉ có dưới 10 xe”, ông Bình nói.

“Cú sốc” mang tên xe công nghệ

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, dịch vụ vận tải Việt Nam thời gian qua “bung” ra như nấm sau mưa với 80% dịch vụ vận tải khách thuộc sở hữu cá nhân, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu kinh doanh theo kiểu “chộp giật”, bỏ qua việc xây dựng uy tín, thương hiệu.

“Nguyên nhân xuất phát từ chủ trương mở rộng dịch vụ vận tải ô tô khách cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia trong thập kỷ 90. Mặt trái của sự “cởi mở” trong việc quy định các điều kiện kinh doanh là sự phát triển tự phát, manh mún, tùy tiện với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, “siêu nhỏ” đã tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và “đẻ” ra những hệ lụy khôn lường trong công tác đảm bảo ATGT”, ông Thanh chia sẻ.

Đang quen với việc kinh doanh nhỏ lẻ, mạnh mún, thị trường vận tải Việt Nam nhận cú sốc thật sự với sự “chào sân” của Grab, Uber năm 2016, mở màn cho sự thâm nhập của mô hình kinh tế chia sẻ, của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Chỉ sau 3 năm thí điểm, loại hình này tạo ra cuộc thay đổi ngoạn mục trong ngành vận tải. Đến năm 2019, số lượng phương tiện của loại hình vận tải này đã tăng lên hơn 50.000 xe.

Với phương thức đặt xe qua phần mềm hiện đại, cùng với tính an toàn, tiện lợi, giá cả phải chăng, loại hình dịch vụ này không mất nhiều thời gian để “lấy lòng”, thay đổi hoàn toàn thói quen di chuyển của người Việt. Chỉ trong thời gian ngắn, các hãng xe công nghệ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận tải khiến các hãng taxi truyền thống lao đao.

Sự xuất hiện và cạnh tranh thị phần của ứng dụng gọi xe công nghệ đã khiến các hãng taxi truyền thống chợt bừng tỉnh, nhanh chóng thay đổi để duy trì vị thế. Một số hãng taxi lớn như: Mai Linh, Vinasun, Thành Công… đã xây dựng ứng dụng gọi xe của hãng, thêm tương tác với tổng đài. Một số doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư Việt bắt đầu nhảy vào thị trường, đầu tư app đặt xe riêng để cạnh tranh. Không những vậy, các hãng taxi đã phải bắt nhau tạo thành liên minh lớn hơn để có thương hiệu mạnh như hãng taxi chung với tên gọi G7 hay trước đó là liên minh taxi Việt.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận, sự ra đời của các mô hình kinh doanh mới làm biến đổi sâu sắc các ngành kinh tế vận tải truyền thống. “Nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua thì dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định vốn nhiều “điều tiếng”, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã gặp nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của vận tải công nghệ, đặt vận tải truyền thống vào thế tiến thoái lưỡng nan: Đổi mới hay là chết?”, TS. Thành nói.

Phương thức vận tải nào sẽ lên ngôi?

Hiện việc kết nối vạn vật đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực vận tải đường bộ tại Việt Nam, mà nổi bật là các mô hình Uber, Grab. Mô hình nền kinh tế “chia sẻ” là tận dụng hiệu quả các nguồn lực chưa được khai thác trong dân như phương tiện nhàn rỗi, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời mang đến cho khách hàng những lựa chọn đa dạng hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền


Dù còn nhiều bất cập, tuy nhiên loại hình xe công nghệ đã làm thay đổi bức tranh thị trường vận tải tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng 4.0 sẽ tiếp tục làm thay đổi mạnh mẽ phương thức và định hình lại thị trường vận tải. Những phương thức vận tải mới sẽ ra đời, thay đổi hoàn toàn cách thức con người đi lại.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dù có thể mất một thập kỷ hoặc nhiều hơn để hoàn thiện, những chiếc xe tự lái một ngày nào đó sẽ đưa chúng ta từ nơi này sang nơi khác. Nếu không bắt kịp xu hướng, vận tải Việt có thể bị bóp nghẹt trong thời kỳ Công nghiệp 4.0.

“Thách thức luôn đi cùng với cơ hội. Xu hướng tất yếu sẽ là chuyển đổi thành kinh doanh số, doanh nghiệp nào tiếp cận công nghệ nhanh và liên tục thay đổi cải tiến dịch vụ sẽ chiếm được ưu thế”, ông Vinh nhìn nhận.

CEO Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Công ty CP Phát triển UP cho rằng, tích hợp sâu rộng sẽ là một trong những xu thế của vận tải. Lấy ví dụ từ Google Maps, khi nhập địa chỉ muốn đến, nó sẽ cho bạn biết những cách ngắn nhất để đi đến đó, bằng loại phương tiện gì, chiều dài hành trình với từng loại phương tiện, với thời gian ước tính.

“Trong tương lai gần, dịch vụ này có thể cập nhật tình hình theo thời gian thực và có thể đưa ra chỉ dẫn cho bạn ngay khi có diễn biến xảy ra trên hành trình. Hệ thống giao thông sẽ có nhiều phương thức di chuyển”, ông Nam nói.

GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Đại học GTVT Hà Nội nhìn nhận, 10 năm tới sẽ có 4 xu hướng trong vận tải hành khách đó là: Điện khí hóa - tự động hóa - kết nối và chia sẻ. Bốn xu hướng này hình thành tương lai của vận tải. Các phương tiện vận tải thương mại tự động có thể sẽ hấp dẫn nhất ở những nơi có chi phí lao động cao. Phương tiện chạy bằng điện có thể và thực sự sẽ làm việc ở mọi nơi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.