Đường sắt

Thiết bị cảnh báo tự động ngăn tai nạn đường sắt

25/01/2024, 07:02

Nhờ việc tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa, trên truyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực Bắc Miền Trung đã không còn xảy ra tai nạn chết người.


Giảm thiểu tối đa tai nạn

Ngồi mở các file theo dõi hoạt động đường ngang và báo cáo thường kỳ từ phòng an toàn, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh cho biết, trong năm 2023, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn từ Km 137+250 (Thanh Hóa) – Km 521+800 (Quảng Bình) do công ty quản lý không xảy ra tai chết người ở các đường ngang.

Thiết bị cảnh báo tự động ngăn tai nạn đường sắt- Ảnh 1.

Hình ảnh ở tất cả các đường ngang cảnh báo tự động được truyền trực tiếp về Trung tâm giám sát.

"Cả năm xảy ra tất cả 13 vụ phương tiện đâm va cần chắn và chỉ xảy ra một vụ tàu đâm vào ô tô làm hư hỏng phương tiện", ông Hưng thông tin.

Ông Hưng cũng cho biết, hiện công ty đang quản lý, vận hành 116 đường ngang cảnh báo tự động. Các đường ngang này đều có camera giám sát và kết nối đồng bộ với trung tâm giám sát ở công ty. Vì thế, bất cứ sự việc gì xảy ra trên đường ngang đơn vị đều nắm được.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trung tâm giám sát, ông Hưng giới thiệu sơ bộ về hệ thống cảnh báo tự động. Theo đó, từ năm 2001, công ty bắt đầu triển khai thí điểm lắp đặt các cần chắn tự động tại các đường ngang dân sinh. Ban đầu hệ thống phát huy hiệu quả rất tốt, nhưng thường xuyên hư hỏng do bị sét đánh. Sau đó, đơn vị đã nghiên cứu làm thêm các cột thu lôi, nhờ đó hệ thống hoạt động ổn định. Sau đó, hệ thống được triển khai trên khắp tuyến.

Năm 2023, đơn vị tiếp tục nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin tín hiệu tại các đường ngang có gác; Thay thế cần quay cơ bằng cần nâng hạ tự động, bổ sung thiết bị cảnh báo khi có tàu đến gần... Đến nay, đã nâng cấp xong 4 đường ngang thuộc tuyến đơn vị quản lý và 24 điểm gác ở ngoài tuyến.

Không ngừng tự động hóa

Theo quan sát của PV, tại trung tâm giám sát, có 12 màn hình lớn hiển thị 232 màn hình nhỏ. Đây đều là hình ảnh truyền về trực tiếp từ các camera trên đường ngang. Ngoài ra, còn có bảng hiển thị thông tin tàu chạy theo thời gian thực, hiển thị chu trình hoạt động của từng đường ngang, phát cảnh báo đỏ đối với các đường ngang đang thực hiện công tác duy tu, sửa chữa hoặc hiệu chỉnh thiết bị.

Thiết bị cảnh báo tự động ngăn tai nạn đường sắt- Ảnh 2.

Thông tin tàu chạy, chu trình hoạt động của thiết bị tại đường ngang được truyền về theo thời gian thực.

Chị Đào Thị Trang, nhân viên tổ quản trị giám sát ở trung tâm cho biết: "Tổ có 5 người, làm nhiệm vụ trực giám sát và điều hành giải quyết các trở ngại trên đường ngang. Khi có trở ngại hoặc sự cố chúng tôi phải đưa ra phán đoán nhanh tình huống để có phương án xử lý. Đồng thời, thông báo cho các cung và chi nhánh để phối hợp giải quyết tức thời".

Quá trình làm việc, tổ giám sát sẽ chia ca, lên ban làm việc liên tục 12 tiếng, sau đó nghỉ 24 tiếng trước khi quay lại làm việc ca tiếp theo. Tất cả đảm bảo nguyên tắc luôn có người trực giám sát 24/24h tại trung tâm. Các tình huống trở ngại ở phạm vi đường ngang và đường sắt đều đã được tổng công ty, công ty tập huấn và có bộ quy tắc riêng.

"Tai nạn rất ít khi xảy ra, chủ yếu là phương tiện đâm va hư hỏng cần chắn. Trong năm có một vụ tai nạn xảy ra ở đường ngang Nghi Liên, TP Vinh do phương tiện cố tình đi vào đường ngang khi đèn đã cảnh báo đỏ. Sau đó, cần chắn hạ xuống, lái xe xử lý tình huống chậm mới để xảy ra đâm va với tàu khách, gây hư hỏng phương tiện", chị Trang cho hay.

Còn theo ông Hưng, nếu người dân luôn chấp hành đúng quy định, dừng xe khi thấy đèn đỏ và chuông cảnh báo thì sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn ở đường ngang. Đối với các tình huống thiết bị hư hỏng hoặc trong quá trình sửa chữa thì đơn vị sẽ bố trí người gác.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh, hiện công ty đang xây dựng đề tài khoa học để nâng cao mức độ an toàn qua đường ngang, tự động cảnh báo phát hiện sớm chướng ngại trên đường ngang.

Theo đó, công nghệ sẽ giúp tự động cảnh báo tới đầu máy khi phát hiện chướng ngại, để người lái tàu biết và xử lý tình huống đảm bảo an toàn. Hiện, đề tài đã bảo vệ xong, đang trong giai đoạn nghiên cứu đưa vào ứng dụng thực tế.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.