Xã hội

Thiết lập “vùng xanh” bảo vệ DN "3 tại chỗ" trong bão dịch Covid-19

11/08/2021, 12:48

Thay vì áp dụng mô hình cứng nhắc, DN “3 tại chỗ” sẽ được tự xây dựng phương án phù hợp để thiết lập vùng xanh sản xuất trong mùa dịch Covid-19.

Cài chế độ “3 màu” với DN vùng dịch Covid-19

Mới đây liên tiếp các hiệp hội, ngành hàng đều gửi kiến nghị về việc điều chỉnh phương án "3 tại chỗ" (ăn, ở, sản xuất tại nhà máy) để phù hợp hơn trong sản xuất giữa những ngày dịch Covid-19 căng thẳng.

img

DN kiến nghị cần có hướng dẫn xây dựng kịch bản phù hợp để vừa sản xuất vừa phòng dịch

Đơn cử, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT báo cáo về việc chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. 70% doanh nghiệp thuỷ sản khó thực hiện 3 tại chỗ nên đã ngưng sản xuất.

Liên quan đến quy định vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, ngoài các mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, DN kiến nghị bổ sung các hình thức khác để được lựa chọn.

Cụ thể, cần bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia.

Về phía các địa phương cần có hướng dẫn xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để DN có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Ngoài ra, cần có quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để DN sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác yên tâm tập trung làm việc.

Trước phản ánh trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-Tb&XH, thừa nhận so với thời điểm ban hành hướng dẫn thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác.

“Tình hình thay đổi liên tục, nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự kiến. Do đó, thay vì áp dụng mô hình cứng nhắc, chúng tôi đang hướng tới phương án để DN tự xây dựng phương án sản xuất cho mình dựa trên những quy định phòng chống dịch hiện hành và điều kiện thực tế, để chủ động ứng phó phù hợp”, ông Thơ nói.

Đối chiếu với chiến lược chống dịch Covid-19 ngoài cộng đồng, ông Thơ cho biết cũng sẽ khoanh vùng xanh – vùng an toàn cần được bảo vệ trong sản xuất.

“Khi vùng xanh được thiết lập, sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo vệ và hỗ trợ từ y tế tới cung ứng lương thực thực phẩm, giao thông vận chuyển hàng hoá…”, ông Thơ nói và cho biết: “Các kịch bản ứng phó cụ thể cũng sẽ bật sẵn các chế độ màu xanh – an toàn, màu vàng – có nguy cơ dịch xâm nhập cần phải rà soát chấn chỉnh và màu đỏ - mất an toàn phải dừng hoạt động”.

Chỉ nên sản xuất tập trung không quá 3 tuần

Thừa nhận việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong ngắn hạn, chỉ có thể kéo dài tới 3 tuần, ông Thơ phân tích: “Việc thực hiện sản xuất tập trung lâu ngày, nguy cơ dịch bệnh dễ phát sinh, gia tăng chi phí phục vụ sinh hoạt cho người lao động trong khi hiệu quả không cao. Cụ thể, trong không gian bó buộc rất dễ ảnh hưởng tới tâm lý người lao động dẫn tới ảnh hưởng tới năng suất”.

Để duy trì hiệu quả cao, trong thời gian ngắn, ông Thơ kiến nghị cần phải chấp thuận gia tăng giờ làm thêm trong bối cảnh sản xuất tập trung. “Thực tế, nhiều lĩnh vực do đặc điểm phải sản xuất tập trung như dầu khí, điện lực, viễn dương… đều được phép tăng giờ làm thêm để đảm bảo tiến độ. Bây giờ trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ hoàn toàn có thể ra quyết định hướng dẫn cho DN tổ chức làm thêm để phù hợp trong vùng xanh”, ông Thơ nói và nhấn mạnh: Các giải pháp đưa ra đều phải đảm bảo mục tiêu ưu tiên theo thứ tự: Chống dịch, đảm bảo sức khoẻ người lao động và duy trì sản xuất.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch. Theo đó, Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Các địa phương tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, oxy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.