Kinh tế

Thiếu nguồn cung, thịt lợn lại sớm rơi vào khủng hoảng?

03/03/2020, 17:20

Trước biến động tăng “chóng mặt” của giá thịt lợn, giới chăn nuôi nhận định có thể xẩy ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trong tương lai gần.

img
Việc cam kết giảm giá của các DN lớn không còn tác dụng điều tiết giá cả thị trường khi thương lái mua giá 75.000 đồng/kg nhưng ra khỏi cổng trang trại đã bán lại với giá 85.000 đồng/kg, lãi tới 10.000 đồng/kg...

Nguồn cung giảm, sức mua tăng mạnh

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (C.P. Việt Nam) cho biết, theo nhận định của giới chăn nuôi lợn, giá lợn hơi nhảy vọt trong mấy ngày qua bởi các nguyên nhân như: Nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu sử dụng thịt lợn đang tăng lên. Mặt khác, nguồn thịt lợn nhập khẩu giảm mạnh và không ngoại trừ hiện tượng “gom” lợn để chuẩn bị xuất đi Trung Quốc khi các đường biên giới bắt đầu giao thương trở lại.

Từ thực tế của thị trường, vị đại diện này cũng cho biết, qua khảo sát, nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn ở khu vực miền Đông Nam bộ dự báo: “Rất dễ xẩy ra một cuộc khủng hoảng về thị lợn trong thời gian sắp tới nếu như ngành chăn nuôi lợn và các doanh nghiệp không có đối sách phù hợp".

Phân tích rõ hơn về dự báo này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P. Việt Nam cho biết: Trong mấy ngày qua, thương lái ở khu vực miền Bắc tăng mạnh việc thu mua và C.P. Việt Nam xuất bán với số lượng lợn tăng lên nhiều lần.

Cụ thể, sau Tết Canh Tý, C.P. Việt Nam xuất bán mỗi ngày bình quân 17.000 con lợn, chỉ mấy ngày qua C.P. xuất bán tăng lên tối đa gần 70% so với trước nhằm góp phần bình ổn thị trường theo chủ trương của nhà nước.

Để không xẩy ra một cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn trong thời gian tới như nhiều chuyên gia dự báo, giới kinh doanh thương mại cho rằng, việc giá cả thị trường cứ để thị trường cung - cầu quyết định. Các ngành chức năng cần xác định về tình hình dịch bệnh hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời giúp người chăn nuôi sớm tái đàn.

Ngoài ra, cần nhập khẩu một lượng thịt (lợn, bò, gà) vừa đủ để bù vào số thiếu hụt của thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến nghị người tiêu dùng tạm thời dùng các loại thực phẩm khác để thay thế thịt lợn. Các cơ quan chức năng nên cùng với các DN sản xuất, phân phối, thương buôn hình thành nên chuỗi cung - cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực và thành phần nào tham gia trong chuỗi này để được hưởng lợi", ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P. Việt Nam.

Theo ông Lê Xuân Huy, việc tăng số lượng bán trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế và cũng sẽ không kéo dài được lâu vì một mình C.P. không thể làm được việc này.

“Nguồn cung thịt lợn cho thị trường sắp tới giảm là thấy rõ, bởi dịch tả lợn Châu Phi đã làm cho tổng đàn lợn cả nước giảm mạnh, trong khi ở nhiều địa phương nhưng việc tái đàn diễn ra rất chậm vì người chăn nuôi còn lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Cùng với nguồn cung giảm, sắp tới nhu cầu tiêu thu thịt lợn sẽ tăng khi học sinh đi học trở lại và nhiều bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, công sở hoạt động trở lại, cùng với dịch cúm Covid-19 khiến cho lượng thịt lợn nhập khẩu giảm nên có thể xẩy ra một cuộc khủng hoảng thiếu thịt heo trên thị trường không xa”, ông Huy nhận định.

Việc cam kết giảm giá không còn tác dụng điều tiết giá cả thị trường

Theo nhận định của C.P. Việt Nam, giữa tháng 2/2020, nhiều DN chăn nuôi lớn đồng hành với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hạ giá lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg (giá thị trường trên 85.000 đồng/kg) song việc giảm giá này không còn tác dụng điều tiết giá cả đối với thị trường.

“Các thương lái cho biết, giá lợn hơi gần đây giảm mạnh là do nhu cầu sử dụng giảm. Tuy nhiên, khi nhu cầu của thị trường tăng lên, giá lợn hơi tăng mạnh, sự tăng giá không bởi các DN lớn tăng giá. Chưa hết, việc giảm giá lợn hơi hiện nay của một số DN lớn đã tạo ra tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường khi thương lái mua giá 75.000 đồng/kg (lợn đực 73.000 đồng/kg) nhưng ra khỏi cổng trang trại đã bán lại với giá 85.000 đồng/kg, lãi tới 10.000 đồng/kg...”, đại diện CP cho biết.

Ngoài ra, theo các chuyên gia nông nghiệp, tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu thì nhà nước chỉ quan tâm khi giá nông sản dưới giá thành sản xuất và có biện pháp hỗ trợ nông dân. Đơn cử, Nhật Bản là quốc gia hỗ trợ 80% phần lỗ vốn đối với một số nông sản.

Mặt khác, nông sản tươi sống không cho phép người sản xuất đầu cơ bằng cách gom hàng, bán phá giá hay nâng giá bán trong một thời gian dài, vì lợn không thể như thóc gạo để chứa kho.

Dựa vào điều này, lãnh đạo CP khẳng định, nông hộ và cả DN lớn chăn nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay không phải là đối tượng tự làm giá bán trên thị trường mà do khâu phân phối, nói rõ hơn là thương buôn nên glợn từ chuồng trại đến người tiêu dùng mức chênh lệch giá lên đến 25-45%, do phải qua nhiều tầng lớp trung gian.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.