Đỗ Thanh T. |
Liên quan vụ thiếu nữ đi xe máy tông ngã hai cảnh sát cơ động thuộc Tổ công tác đặc biệt Y5/141- Công an TP Hà Nội, ngày 13/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ vụ việc từ Tổ Y5 để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Danh tính thiếu nữ trong vụ việc được xác định là Đỗ Thanh T., sinh năm 2003, trú Khâm Thiên, Hà Nội. Hai cảnh sát trong tổ công tác 141 bị T. điều khiển xe máy tông trúng là Thiếu uý Nguyễn Hải Đức và Đại uý Phạm Văn Tuyền. Trong đó, Thiếu uý Đức chỉ bị xây xước nhẹ, còn Đại uý Tuyền bị gãy chân phải, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Trước đó, khoảng 15h chiều 12/8, Tổ Y5 đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân thì phát hiện T. điều khiển xe máy BKS 29E2-257.03 vi phạm không đội MBH, chạy tốc độ cao nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, T. không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát mà cho xe quay đầu, chạy ngược chiều trên đường Khuất Duy Tiến và đâm vào Thiếu uý Đức. Cú đâm khiến Thiếu uý Đức ngã văng xuống đường. Thấy vậy, Đại uý Tuyền tiếp tục ra chặn xe thì cũng bị nữ thiếu niên này tăng ga đâm trúng khiến Đại úy Tuyền bị gãy chân phải, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Sau đó, T. nhanh chóng bị cảnh sát khống chế và đưa về trụ sở công an. Ngay trong chiều tối 12/8, gia đình T. đã đến trụ sở công an xin bảo lãnh cho T. về nhà. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an giải quyết theo quy định của pháp luật.
Phân tích về tình huống pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm:
Hành vi phạm tội của thiếu nữ đã cấu thành tội chống người thi hành công vụ và tội cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 330 và Điều 104, Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, thiếu nữ điều khiển xe mô tô mới 15 tuổi, đây là lứa tuổi trẻ em nên thuộc đối tượng đặc biệt được điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, đối với tội chống người thi hành công vụ theo Điều 330, Bộ luật Hình sự, thiếu nữ 15 tuổi không cấu thành tội phạm.
Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134, thiếu nữ 15 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 - 15 năm) tương ứng với Khoản 3, Điều 134, Bộ luật Hình sự. Nghĩa là hành vi điều khiển xe mô tô tông gãy chân chiến sỹ đang thi hành công vụ phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên mới có thể xử lý hình sự thiếu nữ 15 tuổi này được.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều của Bộ luật này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận