Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều công ty, tập đoàn quốc tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang |
Sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Mỹ và Trung Quốc vừa đang làm thay đổi mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn ở phía Bắc châu Á vừa là cơ hội để nước ta đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và an ninh. Đó là nhận định được nêu ra trong một bài viết trên báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP xuất bản ngày 12/12).
Điểm đến cho các công ty đang có trụ sở ở Trung Quốc
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới chưa rõ có thể được Bắc Kinh và Washington giải quyết trong vòng 90 ngày “đình chiến” hay không, Việt Nam đang tận dụng những cơ hội mới để trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà sản xuất quốc tế có trụ sở, công xưởng ở Trung Quốc. Vì các nhà sản xuất này muốn tránh thuế quan Mỹ áp đặt lên hàng hóa có xuất xứ từ nước này.
Đó là nhận định của ông John Rockkeep, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, kể từ tháng 9/2018, trung bình 1 tuần có 4 công ty tiếp cận văn phòng của ông Rockkeep để được tư vấn về việc chuyển công xưởng đến Việt Nam. Tỷ lệ này, theo tiết lộ của ông Rockkeep là gấp 4 lần các tháng trước.
Xu hướng trên bắt đầu từ cuối tháng 8 với sự gia tăng rõ rệt. Ông Zhang Zhang Diansheng, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ kinh doanh Hàng Sinh tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ với báo giới khi đang bận rộn giúp các nhà sản xuất phụ tùng ô tô, may mặc và điện tử tiêu dùng chuẩn bị các thủ tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo ông Zhang, công ty ông nhận được yêu cầu tương tự từ hơn 100 công ty trong vòng 3 tháng qua, gấp gần 3 lần những vụ chuyển dịch kinh doanh so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, sự chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam mới chỉ là khởi đầu. Bởi thỏa thuận “đình chiến” giữa Trung Quốc và Mỹ mới đạt được ngày 1/12 có thể kiềm chế sự gia tăng, nhưng chỉ là tạm thời. Vì theo giới quan sát, xung đột thương mại giữa hai cường quốc này là khó có thể ngăn chặn được.
Và điều này sẽ giống như con dao hai lưỡi. Bởi nếu hàng hóa Trung Quốc được chuyển sang Việt Nam và tiếp tục xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ gây rủi ro lớn cho Việt Nam.
Ông Bùi Băng Biên, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) cảnh báo, những chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam theo sau cuộc chiến thương mại ngày càng nhiều sẽ càng khiến Washington từ chối các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Hồi tháng 5, Mỹ đã áp thuế đối với thép Việt Nam vì cho rằng Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam để tránh các biện pháp chống bán phá giá do Mỹ áp đặt đối với thép Trung Quốc.
Đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác kinh tế, an ninh
Bình luận trên báo SCMP, các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gia tăng quyết tâm của Việt Nam nhằm phân tán rủi ro và theo đuổi các thỏa thuận thương mại với nhiều đối tác khác nhau.
Ông Maxfield Brown, người đứng đầu đơn vị tình báo kinh doanh khu vực ASEAN của Dezan Shira cho rằng, không phải ngẫu nhiên Việt Nam đang cố gắng phát triển mối quan hệ với các đối tác đầu tư lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan.
Các mối quan hệ đối tác này sẽ tạo sự cạnh tranh trên góc độ đầu tư với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, sự đối trọng này không làm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á, ông Brown phân tích.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực theo đuổi các hiệp định thương mại lớn trong những năm gần đây và nhờ vậy giúp tăng lượng lớn các đối tác thương mại. Trong tháng 12 này, Việt Nam đã phê chuẩn thỏa thuận CP-TPP, một hiệp định thương mại với sự tham gia của 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc và Hoa Kỳ; và các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU đã được ký kết trong năm nay.
Theo ông Brown, những bước đi như vậy của Việt Nam không phải để trở thành một cường quốc trong khu vực, nhưng sẽ giúp nước này vươn lên thành một nền kinh tế thực sự phát triển và thành công trong khu vực.
Mặt khác, Zhang Jie, nhà nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, trong khi Bắc Kinh bận tâm giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ thì Việt Nam đang cố gắng đa dạng các quan hệ đối ngoại nhằm giúp quốc gia này vững mạnh hơn, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo Zhang, Việt Nam và chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đang tìm kiếm nhiều hiệp lực hơn trong lĩnh vực an ninh. Thời gian qua, Hoa Kỳ ngày càng quyết đoán khi lên án việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa phi pháp các đảo đá (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. Đồng thời, các tàu của Hải quân Mỹ cũng thường xuyên thực thi quyền tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm kiềm chế các hành động “lấn lướt” của Bắc Kinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận