Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng nay 14/11, đại diện Đội quản lý thị trường số 26, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết đã từng kiểm tra và phạt vi phạm hành chính đối với hãng thời trang NEM tại Hà Đông hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Theo đó, căn cứ biên bản vi phạm hành chính 00009053/BB-VPHC được lập ngày 11/9 tại cửa hàng NEM, tầng 1, Toà nhà Hoàng Gia, Tô Hiệu, Hà Đông; Căn cứ đề xuất của đoàn kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 26 ra quyết định số 00011347/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH dịch vụ và thương mại An Thành; Đại diện pháp luật ông Trương Việt Bình; Trụ sở chính: P1002, tầng 10, toà nhà Nem, 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội về "Hành vi kinh doanh hàng hoá có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá theo quy định. Trị giá hàng hoá vi phạm là 15.688.000đ. Hình thức xử phạt hành chính, phạt tiền 5.500.000đ".
Ghi nhận thực tế cửa hàng tại địa chỉ trên, các sản phẩm đầm, váy, áo..., bày bán đều được may nhãn hiệu "NEM" tại vị trí gáy và sườn. Trên sản phẩm có đính 2 mác giấy ghi mã vạch, tên, mã sản phẩm, kích cỡ, giá. Một số mẫu hàng ghi thêm thông tin Công ty TNHH sản xuất và TM Bình Thành (Công ty Bình Thành); Đ/c: KCN Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Việt Nam nhưng nhiều mẫu trắng không ghi thông tin này hoặc nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Theo thông tin tìm hiểu, người sáng lập Trương Việt Bình chỉ còn sở hữu 30% thương hiệu Thời trang NEM. CTCP Thương mại NEM, công ty thuộc hệ thống chuỗi các pháp nhân độc lập có liên quan đến hãng thời trang NEM. NEM từng được Stripe International đánh giá là đế chế thời trang công sở dành cho nữ lớn thứ hai tại Việt Nam.
Từ năm 2002, toàn bộ nhãn hiệu Thời trang NEM và các nhãn hiệu liên quan đăng ký sau đó bao gồm NEM NEW, NEM Gold, NEM Luxury, NEM Premium… hiện thuộc sở hữu của CTCP Stripe Việt Nam - pháp nhân do công ty Nhật Bản Stripe International thành lập. Trước đó, tất cả thương hiệu này thuộc về Công ty TNHH Bình Lý của ông Trương Việt Bình.
Cuối năm 2017, Stripe International thông báo chính thức về thương vụ mua lại thương hiệu Thời trang NEM của Việt Nam, tuy nhiên không tiết lộ cụ thể về giá mua.
Công ty Nhật Bản cho biết việc mua lại NEM nằm trong kế hoạch tham gia thị trường Việt Nam, xa hơn là ASEAN với tiềm năng về dân số và tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở với tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%. Thực vậy, thời điểm công ty Nhật Bản công bố thương vụ, số cửa hàng của NEM tại Việt Nam là 44, hiện đã tăng lên 59 trên toàn quốc.
Sau khi mua lại NEM, Stripe International kỳ vọng thương hiệu Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu doanh thu 26 triệu USD trong năm 2017 (tức khoảng gần 600 tỷ đồng).
Tìm hiểu sâu hơn về Stripe Việt Nam, vốn điều lệ 175 tỷ đồng được giữ nguyên từ khi thành lập vào cuối năm 2017. Cơ cấu sở hữu cho thấy Stripe International góp 70% vốn điều lệ tương đương 112,5 tỷ đồng; còn lại 30% do sáng lập viên NEM Trương Việt Bình và người liên quan là Trương Việt Anh nắm giữ.
Ba đại diện pháp luật của Stripe Việt Nam gồm có hai cá nhân người Nhật là ông Ishikawa Yasuharu - Chủ tịch HĐQT và ông Harigae Tsutomu - Tổng giám đốc, và một người Việt là ông Trương Việt Bình với vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT.
Năm 1997, ông Trương Việt Bình thành lập Công ty TNHH Bình Lý chuyên hoạt động bán lẻ hàng may mặc, giày dép… Đến năm 2002, Công ty Bình Lý cho ra đời thương hiệu Thời trang NEM tấn công lĩnh vực thời trang công sở nữ tại Việt Nam.
Giai đoạn 2010 – 2011, Công ty Bình Lý tiếp tục ra mắt thương hiệu phụ trợ như NEM Gold, NEM Classic, NEM Luxury… cung cấp sản phẩm đa dạng hơn.
Đến nay, sau khi bán thương hiệu Thời trang NEM cho Stripe Việt Nam, Bình Lý vẫn còn hoạt động cùng với một chi nhánh tại quận Tân Bình, TP HCM. Tuy nhiên hai chi nhánh khác của Công ty Bình Lý tại Quảng Ninh và Hải Dương đã tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn.
Hiện hệ thống khoảng 60 cửa hàng của Thời trang NEM được vận hành bởi nhiều công ty khác nhau, mỗi đơn vị sẽ quản lý một nhóm chi nhánh, hoặc cửa hàng. Phân bổ nhiều nhất tại TP Hà Nội với 16 cửa hàng, TP HCM là 7; còn lại trải khắp ba miền nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là phía Bắc.
Các doanh nghiệp đang đứng tên ông Trương Việt Bình gồm có: Công ty TNHH Bình Lý, CTCP Thời trang NEM, CTCP Thương mại NEM, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khánh Linh, Công ty Dịch vụ và Thương Mại An Thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận