Linh hoạt giải pháp, tránh mất giá đồng tiền
Sáng 1/6, tại phiên thảo luận ở hội trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội nêu về lĩnh vực ngân hàng.
Về điều hành lãi suất và tín dụng, bà Hồng cho biết tình hình có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn thách thức, các nhiệm vụ khó có thể đạt được cùng lúc. NHNN đã kiên trì giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, theo dõi sát diễn biến, tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm nhằm ứng phó linh hoạt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Về điều hành lãi suất, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, NHNN cũng rất mong muốn, quan tâm nội dung này.
Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô về đảm bảo đại cục về kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Thống đốc NHNN cho biết năm 2022, có 2 lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, ở trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh đó, áp lực mất giá của đồng Việt Nam là lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá mạnh.
Theo bà Hồng, cần có giải pháp linh hoạt, đồng bộ để giải quyết những khó khăn này, tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao.
Khi ổn định được tỉ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm, NHNN đã rất quyết liệt, điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.
Về việc điều hành tín dụng, Thống đốc NHNN cho hay tháng 10/2022, đã diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt ở Ngân hàng SCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn), gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh room (hạn mức) tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì NHNN mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
1 triệu tỷ đồng tồn trong ngân hàng do chưa giải ngân hết
Trước đó, giải trình, làm rõ nội dung về việc tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng lên tới 1 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số tiền 1 triệu tỉ đồng này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia.
Chậm giải ngân đầu tư công do khâu tổ chức thực hiện
Cũng tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về đầu tư công, đã thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, giao tất cả các quyền cho bộ, ngành, địa phương, từ khâu lựa chọn dự án đến lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân đầu tư công, việc điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ làm công tác tổng hợp, rà soát.
Theo ông Dũng, cùng mặt bằng pháp lý nhưng địa phương này thực hiện tốt, địa phương khác chưa thực hiện tốt, vấn đề do khâu tổ chức thực hiện. Từ đó, đề nghị các đại biểu HĐND các cấp quan tâm và giám sát địa phương mình, ngành mình, cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
"Để tồn đọng là vì chưa giải ngân hết, không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác. Số tiền 1 triệu tỉ đồng này hiện đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất 0,8%/năm", ông Phớc nói thêm.
Về chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%...
Bên cạnh đó, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc… thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ đang tham mưu xây dựng nghị định và thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận