Chính trị

Thông qua luật Báo chí, không cấm nhà báo sử dụng mạng xã hội

05/04/2016, 11:15

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi) với số phiếu tán thành đạt 89,47%.

  

20151126102850-img-1210

Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao

Quốc hội vừa biểu quyết thông qua dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với số phiếu tán thành đạt 89,47% (442/445 đại biểu).

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đọc Báo cáo tiếp thu giải trình về dự án Luật.

Báo cáo do bà Hải trình bày nêu rõ: có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Về ý kiến cho rằng không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy thực tế hiện nay có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

Mới đây, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết điểm mới nhất của Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung) là việc triển khai nội dung quan trọng được quy định tại điều 14, điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.

Đây cũng là nội dung được thảo luận nhiều nhất vì tự do báo chí, tự do ngôn luận thực tế là một phương diện thể hiện dân chủ ở nước ta, nhưng lại là một quyền có giới hạn đối với luật pháp tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc giới hạn đó theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm” hoặc xung đột với các quyền khác. Kế đó, Luật Báo chí dành một phần rất thỏa đáng để bao quát một cách hệ thống những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Quy định này nhằm hạn chế một cách kiên quyết những hành vi lạm quyền của báo chí cả thế giới là “xâm phạm bí mật đời tư” trong thực tiễn phát triển báo chí ở nước ta. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.