ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (một trong những cơ sở chính điều trị bệnh nhân Covid-19) đã khiêm tốn nói như vậy khi nhắc đến việc được đề cử danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020”, cũng như nhiều mỹ danh khác mà nhiều người yêu mến dành tặng cho mình.
Với những đóng góp của anh trong trận chiến chống Covid-19, mọi người không ngần ngại dành cho anh nhiều danh xưng như “Người hùng chống Covid-19”, “Phó giám đốc Cấp” và giờ là “Công dân Thủ đô ưu tú”. Anh thích nghe danh xưng nào hơn cả?
Tôi không nghĩ danh xưng nào là phù hợp cả, bởi trong trận chiến chống dịch đó, tất cả mọi nhân viên y tế ở nhiều bệnh viện đều phải làm vậy thôi. Chỉ có điều tôi là người may mắn được lựa chọn làm gương mặt đại diện và được mọi người biết đến nhiều hơn. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi dù lộ diện hay thầm lặng, họ đều đã đóng góp hết sức mình trong trận chiến với dịch bệnh. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ khi chúng tôi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.
Với tôi, dù với danh xưng nào thì một ông bác sĩ khi về hưu cũng vẫn chỉ là ông bác sĩ. Tôi luôn muốn gắn bó với danh xưng “Bác sĩ Cấp”, chỉ vậy thôi vì dù gọi bằng mỹ từ nào cũng đều không thay đổi bản chất công việc mà tôi đã gắn bó.
Riêng với danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, xin chia sẻ thật là giai đoạn đầu tôi cũng khá ngần ngại khi được đề cử nhận danh hiệu đó. Bởi tôi nghĩ rằng riêng trong ngành y tế có rất nhiều người xứng đáng. Rất cảm ơn Hà Nội ưu ái và tin tưởng, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ chỉ đơn giản tôi được lựa chọn làm gương mặt đại diện cho ngành y tế để đón nhận danh hiệu đó.
Trước đây, lý do gì khiến anh gắn bó với chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, chuyên khoa mà nhiều người trong nghề vẫn cho rằng “khó nhằn”, “quá vất vả mà khó kiếm cơm”?
Ra trường là tôi gắn bó luôn với Hồi sức cấp cứu, vì đó là chuyên ngành mà Bệnh viện 108 tuyển dụng và tôi thì kiếm được việc làm tốt ở thời điểm đó. Tuy nhiên, sau gần 2 năm công tác ở đây, tôi chuyển về Bệnh viện Nông nghiệp, cũng vẫn với chuyên khoa Hồi sức cấp cứu. 5 năm công tác tại đây cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu. Sau đó, tôi quay trở về Bệnh viện Bạch Mai đúng lúc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tách ra và thiếu người. Vậy là tôi tiếp tục gắn mình với chuyên môn Hồi sức cấp cứu từ đó cho đến bây giờ.
Có thể nói đây là một chuyên ngành vất vả bởi nhiều lẽ, trong đó có việc đánh giá về cơ cấu giá lao động chưa đúng, khiến khoa Hồi sức nào cũng lỗ. Vì lỗ nên các giám đốc bệnh viện thường không thể bố trí quá đông người ở đó được, khiến cường độ lao động càng cao, quá tải và áp lực công việc cao.
Hơn nữa, thông thường cán bộ y tế làm việc ở vị trí đó sau một thời gian trưởng thành về nghề thì có rất nhiều chỗ nhận. Ví dụ ở các tỉnh rất dễ có nguy cơ bác sĩ hồi sức chuyển sang làm lãnh đạo khoa khác, còn điều dưỡng nếu “nhả” ra thì các khoa khác sẵn sàng nhận về… Thế nhưng tôi vẫn gắn bó với Hồi sức cấp cứu suốt từ đó đến nay như một mối duyên vậy.
Anh còn nhớ đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân khỏi “cửa tử” không?
Thật sự tôi không thể nhớ được mình đã cứu sống bao nhiêu ca. Nhiệm vụ của chúng tôi ở khoa Hồi sức cấp cứu là như thế, luôn cố gắng cứu sống các bệnh nhân chờ chết.
Được biết, hai vợ chồng anh cùng làm bác sĩ, điều đó thuận lợi hay khó khăn trong việc chăm sóc con cái, gia đình cũng như công việc cơ quan?
Chúng tôi đặt ra nguyên tắc, nếu hai vợ chồng cùng đi trực thì chủ động đổi lịch trực. Sau nay bà xã chuyển công tác sang vị trí không còn làm chuyên môn nữa, từ Nhi khoa về làm Chỉ đạo tuyến. Đó là cái thiệt thòi nhưng cũng chưa từng thấy bà xã phàn nàn, vì cô ấy chấp nhận. Ngày con còn nhỏ, may mắn được ở gần nhà ngoại, cũng đỡ phần nào. Sau đó, các con đều không ai mong muốn theo nghiệp bố mẹ cả!
Với gần 30 năm gắn bó với Hồi sức cấp cứu, câu chuyện nào khiến anh không bao giờ có thể quên?
Ở mỗi giai đoạn công tác, có những kỷ niệm đáng nhớ, cũng như đúc kết nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp cho chính mình. Ví như thời gian còn công tác tại Bệnh viện Nông nghiệp, thời kỳ 1990-1994, huyện Thanh Trì rơi vào trận sốt đất, nhiều tệ nạn phát sinh rất phức tạp.
Trung bình mỗi tối, khoa Cấp cứu tiếp nhận 2- 3 ca ngộ độc thuốc ngủ sedusen, 1- 2 ca ngộ độc thuốc diệt chuột hay trừ sâu… Ngoài ra, xã Ngọc Hồi là nơi sản xuất rượu nên các ca ngộ độc rượu, xuất huyết tiêu hóa, sơ gan hay đánh nhau vì rượu cũng đặc biệt nhiều... Giai đoạn đó cực kỳ vất vả.
Ngày đó, bệnh viện nhỏ, các chuyên khoa nhỏ, tuy nhiên “không hẹn mà nên”, chúng tôi - đội ngũ tốt trong số các cán bộ trẻ, từ hồi sức, gây mê, chạy lọc thận đã gặp nhau ở đó và cùng phấn đấu… Dù không còn cơ hội gắn bó với nhau nữa, tôi đánh giá đó là đội xuất sắc, đều trưởng thành, sau này đều đứng đầu các chuyên khoa đầu ngành của nhiều bệnh viện.
Còn ngày về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, tôi và các đồng nghiệp đối mặt với nhiều đợt dịch bệnh liên tiếp xảy ra, năm 2006 là dịch H5N1, 2007 dịch tả, 2009 dịch H1N1 và gần nhất là dịch Covid-19.
Chúng tôi nhớ mãi đợt dịch tả, trung bình mỗi ngày hơn 100 ca vào viện, gây nhiều xáo trộn, tất cả các khoa phòng đều tập trung dồn sức cho cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng rất nhiều nhưng thật may mắn không ca nào tử vong vì dịch cả.
Thời điểm đó, bác sĩ các khoa phòng có nỗi vất vả riêng, ví như các bác sĩ khoa vi sinh xét nghiệm luôn ngập mặt trong bốn bề bệnh phẩm là phân của người bệnh. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chúng tôi hiếm khi phải “cấm cung” lâu dài trong bệnh viện như đợt dịch Covid-19 vừa rồi. Nhưng việc nửa đêm nhận điện thoại có ca nặng, sấp ngửa lao vào viện thì rất thường xuyên.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, điều gì khiến anh nhớ nhất?
Đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi đi làm ở Hà Nội mà không được ở nhà, khoảng 2,5 tháng. Giai đoạn 2 (sau phát hiện bệnh nhân 17 - PV) mới thực sự gọi là cuộc chiến. Vì ở giai đoạn 1 mới là bước tìm hiểu, chúng tôi chưa đối mặt với nguy cơ lây nhiễm y tế khi bệnh nhân còn ít, cường độ công việc chưa nhiều. Sau này bệnh nhân nặng nhiều hơn, can thiệp nhiều hơn, nhu cầu vượt khả năng đáp ứng nhiều hơn.
Tôi cũng không nhớ rõ trong giai đoạn đó đã tiếp nhận bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng có khoảng 18 bệnh nhân nặng, với mỗi bệnh nhân chúng tôi đều phải tốn nhiều công sức, không phải ca nặng nhất là tốn công sức nhất.
Mà với chúng tôi, những ca bệnh tưởng đáng nhẽ nặng nhất mà “biến” thành nặng nhì, nặng ba … tức là giúp họ không tiến triển bệnh thêm, mới lại là những ca khiến đội ngũ y, Bác sĩ tốn công sức nhất.
Covid-19 là bệnh lý mới nên giai đoạn đầu các bác sĩ không biết diễn biến sinh bệnh học như thế nào, tất cả các phương án điều trị đều chỉ căn cứ vào những hiểu biết của mình qua việc đọc tài liệu nước ngoài đã làm trước đó và mình làm theo, hoặc những suy ra từ kiến thức, kinh nghiệm của mình nhưng lại trên cơ sở là các bệnh lý khác như cúm Sars và mình áp dụng.
Sau 2 ca đầu tiên, áp dụng y như sách thì diễn biến rất nặng và 1 trong 2 ca đó buộc phải chạy ECMO. 3 ca tiếp theo có hướng thay đổi phương án điều trị nhưng cũng đều chưa rõ ràng.
Nhưng một loạt các ca tiếp nhận về sau thì sau một thời gian theo dõi, chúng tôi có thể đã hiểu hơn về cơ chế bệnh của Covid-19, rút kinh nghiệm, có bước cải tiến thì có bệnh nhân đáp ứng tốt phương án điều trị mới.
Cụ thể trong 18 bệnh nhân nặng đó, đúng tiêu chuẩn phải thở máy 11- 12 ca nhưng thực tế với việc cập nhật, thay đổi phương pháp điều trị đã giảm bớt xuống chỉ 7 ca, giảm bớt nguy cơ phải chạy ECMO.
Thành công này không chỉ có ý nghĩa với bệnh viện mà còn với ngành Y tế. Kinh nghiệm này có thể chuyển giao đến các đơn vị y tế khác giúp giảm thiểu nguy cơ cho các bệnh nhân tương tự khác.
Thứ hai là tránh khủng hoảng máy thở như của Ý…. Hơn nữa, nếu bùng phát dịch ở thời điểm đó, với ta nỗi lo không phải là thiếu máy thở, mà số bác sĩ giỏi vận hành máy và điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thở không có nhiều, nên dù có nhiều máy thở, nhưng đào tạo kịp số người vận dụng không dễ…
Dịch bệnh tạm đi qua, anh lại được bổ nhiệm làm Phó giám đốc bệnh viện. Được thăng chức, anh cảm thấy thế nào, nó có xứng đáng với những gì anh đã cống hiến?
Được bổ nhiệm, tôi cũng không biết là mình may hay không may! Bởi vì ngay khi thông tin chưa chính thức, ngay giai đoạn chuẩn bị thì tôi lại nhận được lời mời đến công tác tại nơi có thu nhập cao gấp 6-7 lần hiện nay.
Rõ ràng là có sự cân nhắc nhiều, nhưng khi mọi người tin tưởng bỏ phiếu cho mình thì mình không thể nào bỏ lại tất cả mà ra đi được. Tôi rất thoải mái trong chuyện đi hay ở, làm ở bệnh viện công hay tư, vì dù làm gì thì mục tiêu cuối cùng cùng vì người bệnh hết.
Đảm nhiệm một vai trò mới, với tôi, điều đó mang lại điều kiện để mình có thể thực hiện được những ý tưởng. Khó có thể nói cụ thể về ý tưởng đó, nhưng mục tiêu là chinh phục những đỉnh cao trong chuyên ngành mình đang theo đuổi, gắn bó… phấn đấu theo kịp tiến bộ y học của thế giới. Luôn tự so sánh mình với các đơn vị y tế thế giới, để thấy khoảng cách còn xa và để phấn đấu thật nhiều.
Tuy vậy, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp rất tự hào ngành y khoảng cách với tiến bộ y khoa thế giới là khá ngắn.
Cảm ơn anh!
Uyên Vũ (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận