Xã hội

Thu hồi tài sản tham nhũng tăng 28%, đạt trên 20.000 tỷ đồng

01/12/2023, 15:54

Theo Bộ Tư pháp, năm 2023, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều chuyển biến tích cực.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 1/12, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, tổng số việc phải thi hành năm nay trên 922.300 việc, số có điều kiện thi hành án trên 690.000 việc.

Thu hồi tài sản tham nhũng tăng 28%, đạt trên 20.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Đến nay, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 575.000 việc, đạt tỉ lệ trên 83%.

Về tiền, tổng số phải thi hành trên 388.509 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 89.400 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 46,78% - tăng 1,24% so với năm 2022).

Đối với thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đã thi hành xong 2.264 việc, tương ứng số tiền trên 20.405 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, công tác thi hành án dân sự luôn được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm.

Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp lãnh đạo để trực tiếp nghe, cho ý kiến, xử lý các vấn đề liên quan đến ngành, từ thực hiện chỉ tiêu đến những vụ việc nổi cộm trong hệ thống.

Ghi nhận những kết quả tích cực toàn ngành đạt được trong năm nay khi vượt chỉ tiêu so với 2022, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế khi "án tồn đọng còn nhiều" - được nêu ra ở nhiều diễn đàn khác nhau, đặc biệt ở Quốc hội.

"Vẫn còn khá nhiều vi phạm, đáng tiếc rằng vi phạm lại do chuyên môn, nghiệp vụ như xác minh điều kiện thi hành án, thủ tục ra quyết định thi hành án… Đó là các thứ lẽ ra các đồng chí phải thuộc nằm lòng thì lại vi phạm, để rồi từ đó sinh ra nhiều hệ lụy từ bị kiểm tra, thanh tra, giám sát đến cả xử lý hình sự. Nhiều vụ việc kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ phải bồi thường", Bộ trưởng Lê Thành Long nêu thực tế.

Năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn của một số lãnh đạo cơ quan thi hành án dân sự cũng bị Bộ trưởng Lê Thành Long nêu ra và đánh giá "chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu".

Người đứng đầu mà năng động, sáng tạo thì dù rất khó khăn vẫn xử lý được. Đáng tiếc, điều này, theo ông Long, không chỉ ở các Chi cục, Cục Thi hành án dân sự địa phương mà xảy ra ngay ở một số đơn vị của Tổng cục Thi hành án dân sự.

Việc chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong hệ thống thi hành án dân sự cũng bị đánh giá "còn thụ động", thực hiện chậm trễ.

Bộ trưởng Tư pháp đặc biệt lưu ý hệ thống thi hành án hoàn thành thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

"Phải đặc biệt lưu tâm, chủ động vào cuộc với những vụ lớn, đặc biệt vụ Vạn Thịnh Phát. Phải chủ động, mường tượng trước được các vụ việc, các khối tài sản nằm ở đâu. Nếu có chủ trương về việc xử lý tài sản, vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì càng phải vào cuộc sớm, nếu không toàn bộ gánh nặng dồn hết vào thi hành án dân sự, vốn ở khâu cuối cùng", Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.