Chuyện dọc đường

Thu hút người tài không chỉ cần tiền

11/10/2022, 06:39

Với những người tài, tâm huyết và có khát vọng cống hiến, thu nhập có lẽ cũng không phải là tất cả đối với họ.

Hội thảo khoa học chính sách thu hút nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt cho TP.HCM do Học viện Cán bộ thành phố tổ chức chiều 10/10 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đây là vấn đề không mới, nhưng bàn mãi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

img

Toàn cảnh Hội thảo khoa học. Ảnh: Thảo Lê

Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, đề án thu hút nhân tài được TP thí điểm từ giai đoạn năm 2014 - 2018 với mức lương tối đa là 150 triệu đồng mỗi tháng.

Giai đoạn này, TP tuyển được được 17 chuyên gia về làm việc. Tuy nhiên, giai đoạn chính thức từ năm 2019, mức thu nhập giảm còn 13- 15 triệu đồng và chỉ thu hút được 3 người làm tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, chính sách thu hút nhân tài của thành phố từ giai đoạn thí điểm đến chính thức còn nhiều bất cập.

Ngoài mức lương không phù hợp, quy trình thực hiện cũng phức tạp, khi một chuyên gia mất tới 18 tháng từ lúc có nhu cầu mới ký được hợp đồng.

Chưa kể, việc Sở, ngành cũng đăng ký thu hút chuyên gia như cơ quan nghiên cứu, trường đại học là không phù hợp thực tiễn. Quá trình đặt hàng của TP với chuyên gia cũng được cho là chưa hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn và sự chuẩn bị chu đáo.

Câu chuyện khó khăn trong việc thu hút người tài không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước.

Điển hình như ở Đà Nẵng cách đây chưa lâu, đã có gần 100 người rút khỏi đề án phát triển nguồn nhân lực cao, 40 nhân tài khác được bố trí việc làm nhưng đã xin thôi việc. Lý do được họ đưa ra là muốn đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác.

Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư, tập trung nhiều nhất chính là lĩnh vực giáo dục và y tế.

Một số Bộ, ngành cũng bắt đầu xuất hiện người có cương vị xin nghỉ việc. Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã lo lắng khi trong Bộ, một số lãnh đạo cấp vụ, phòng đã nộp đơn xin nghỉ.

Chưa có thống kê nào chi tiết cho thấy trong số gần 40.000 cán bộ, công chức kia có bao nhiêu phần trăm là người tài.

Song có một điều chắc chắn là những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” chẳng bao giờ muốn rời xa nơi làm việc vốn là mơ ước của nhiều người trong xã hội. Và những người rời đi có lẽ hầu hết đều là những người có năng lực.

Và một khi đã có năng lực, đồng lương Nhà nước hiện nay có lẽ khó thuyết phục được họ ở lại.

Khi đã đặt mục tiêu thu hút người tài, chính sách đưa ra phải thực sự hấp dẫn. Nhưng với những người tài, tâm huyết và có khát vọng cống hiến, thu nhập có lẽ cũng không phải là tất cả đối với họ.

Quan trọng nhất là phải thiết kế được chính sách sử dụng người tài phù hợp, đó mới chính là vấn đề cốt lõi. Hay nói cách khác, khi đã mời người tài, phải có đất dụng võ cho họ.

Còn nếu không, có tổ chức bao nhiêu hội thảo đi nữa, cũng sẽ chẳng tìm được câu trả lời thoả đáng. Hoặc chỉ tìm được mà không sử dụng được họ.

Mỹ Hà

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.