Hạ tầng

Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp bức xúc vì phí cao, TP.HCM nói gì?

06/06/2022, 15:45

UBND TP.HCM ghi nhận ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, DN... từ đó sẽ tổ chức đánh giá kết quả việc thu phí, trình HĐND TP xem xét, điều chỉnh.

TP.HCM vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc các doanh nghiệp, hiệp hội phản ứng về việc thu phí hạ tầng cảng biển. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM cao, không đúng đối tượng, thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch.

Tăng gánh nặng cho doanh nghiệp sau đại dịch

Từ ngày 1/4/2022, TP.HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển (thu phí hạ tầng cảng biển) với tính toán mức thu trung bình sẽ đạt 8,32 tỷ đồng/ngày và 3.036 tỷ đồng trong năm 2022.

img

TP.HCM thu phí cảng biển từ ngày 1/4, nhiều DN kiến nghị tạm dừng thu phí do ảnh hưởng đại dịch

Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi thu phí, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã có văn bản phản ánh về vấn đề này. Trong đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng biển trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định thu phí hạ tầng của TP.HCM là đặc biệt lớn.

Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội, bao gồm cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM cũng đã gửi văn bản tới các cấp để phản ánh những vấn đề bất cập.

Bên cạnh đó, TP.HCM thu phí không đúng đối tượng với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất. Qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đó là chưa nói, có sự chênh lệch trong mức thu giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận.

Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, khi thực hiện thuế phí hạ tầng cảng biển thì hàng của họ là hàng chở từ tàu nước ngoài về cập cảng và hạ xuống sà lan để chở sang Campuchia và ngược lại, không sử dụng hạ tầng cảng biển của TP.HCM. Thế nhưng việc phải đóng thuế tới 100USD cho 1 container 20ft đã làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và các hãng tàu. Điều này làm ảnh hưởng đến việc xuất, nhập hàng qua cửa khẩu TP.HCM. Các hãng tàu cũng đang có xu hướng dịch chuyển nguồn hàng này đi đến một nước khác.

Sau khi tiếp nhận những phản ánh này, mới đây, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM báo cáo về cơ sở pháp lý, đối tượng thu, mức thu… để làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Thu đúng đối tượng, mức thu hợp lý

Báo cáo về vấn đề này, thành phố khẳng định đối tượng thu phí áp dụng hiện nay là phù hợp quy định "tất cả các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đều phải nộp phí theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND".

Ngoài ra, mức thu phí được xác định bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, phù hợp luật phí và lệ phí.

Khi xây dựng mức thu phí, TP.HCM không chọn phương pháp chi phí để tính mức phí vì tính theo phương pháp này, mức thu sẽ vượt quá khả năng đóng phí của doanh nghiệp. Do đó, thành phố sử dụng kết hợp phương pháp so sánh mức thu của Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… để áp dụng cho TP.HCM.

Vì vậy, UBND TP.HCM lý giải, mức thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM cao hơn so với mở tờ khai tại TP.HCM nhằm mục đích để các doanh nghiệp ở địa phương khác lựa chọn vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng biển như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo thống kê, trong tổng lượng hàng qua cảng biển TP.HCM hiện chỉ còn khoảng 40% là hàng hóa làm thủ tục thông quan tại TP.HCM; 5% là hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu; còn lại 55% hàng hóa thuộc các địa phương khác đã chuyển sang làm thủ tục thông quan tại các tỉnh lân cận.

Như vậy, theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP, gần 60% hàng hóa không làm thủ tục thông quan tại TP.HCM nhưng lại đi vào và sử dụng hạ tầng cảng biển, gây áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM. Do đó việc chênh lệch mức phí giữa TP.HCM và các tỉnh tạo sự công bằng khi các DN mở tờ khai thông quan tại TP.HCM đóng góp cho ngân sách thành phố, giải quyết lao động nên cần được áp mức phí thấp hơn các DN mở tờ khai ngoài thành phố.

Hàng hóa quá cảnh vẫn nộp thuế, tạo sự công bằng

Bên cạnh việc thu chênh lệch giá, thì việc thu phí không đúng đối tượng cũng được nhiều doanh nghiệp bức xúc. Theo đó, hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất cũng đều chịu chung một mức phí.

Về kiến nghị không thu phí cảng biển đối với hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu được vận chuyển bằng phương tiện tàu thủy, UBND TP.HCM cho rằng thành phố không xây dựng mức phí theo phương tiện vận chuyển mà theo tải trọng hàng hóa. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu bằng phương tiện thủy nếu sử dụng công trình dịch vụ tại khu vực cảng biển phải có nghĩa vụ nộp phí như tất cả các đối tượng khác. Việc miễn, giảm dẫn đến sự không công bằng đối với đối tượng khác, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải.

Liên quan đến nội dung các DN cho rằng việc thu phí không đúng quy định với hàng quá cảnh tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, UBND TP.HCM khẳng định việc thu phí không trái với nội dung hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy, không trái thỏa thuận hàng hóa quá cảnh.

TP.HCM thu phí các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh... trong khi đối tượng được miễn thu phí của hiệp định là hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách.

UBND TP.HCM ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, DN… và chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc thu phí, trình HĐND TP xem xét, điều chỉnh nghị quyết cho phù hợp thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.