Xã hội

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời", Quảng Ngãi kéo giảm cách nào?

11/10/2024, 11:46

Quảng Ngãi nghiên cứu áp thuế trên mức giá tham chiếu 150.000 đồng/m3 cát xây dựng (thay mức 230.000/m3 hiện nay), góp phần kéo giảm giá cát mức cao chót vót trên thị trường hiện nay.

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời"

Quảng Ngãi được xem là thủ phủ cát của Việt Nam, với trữ lượng lên tới hàng trăm triệu m3, phân bố rộng khắp ở hầu hết các con sông lớn trên địa bàn, đã được quy hoạch hàng trăm điểm mỏ.

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời", Quảng Ngãi kéo giảm cách nào?- Ảnh 1.

Quảng Ngãi có trữ lượng cát lên đến hàng trăm triệu m3, song nhiều năm qua giá cát xây dựng vẫn quá cao.

Đồng thời, chất lượng và phương pháp khai thác cát ở Quảng Ngãi cũng được đánh giá cao, rất thuận lợi và có chi phí thấp hơn so với nhiều địa phương trong cả nước.

Song, nhiều năm qua giá cát vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng chung các địa phương lân cận. Việc giá cát bán tại mỏ quá cao đẩy thị trường xây dựng rơi vào khó khăn, nhiều nhà thầu "méo mặt" vì chi phí mua cát thực tế cao hơn nhiều so với giá dự toán để thanh toán của chủ đầu tư.

Cụ thể, giá cát xây dựng tại Quảng Ngãi ở thời điểm hiện tại neo khá cao ở mức trên dưới 450 nghìn đồng/m3. Thậm chí, có nơi trên 500 nghìn đồng/m3 đã tác động lớn đến hoạt động xây dựng nhà ở của người dân và công trình hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công.

Được biết, ngoài nhóm mỏ cát phục vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có trên dưới 10 mỏ cát đã cấp phép khai thác và chuẩn bị khai thác với trữ lượng gần 1,8 triệu m3, công suất khai thác hằng năm khoảng 400.000 m3.

Ghi nhận cho thấy, giá cát bán ra tại các mỏ đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền dao động từ 300 - 350.000 đồng/m3. Đơn cử như mỏ cát Đồng Xuân 2, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, giá bán tại mỏ bao gồm thuế VAT là 325.000 đồng/m3.

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời", Quảng Ngãi kéo giảm cách nào?- Ảnh 2.

Để kéo giảm giá cát, sở Xây dựng tỉnh này đề xuất đưa giá cát về mức 150.000 đồng/m3 để tính tiền thuế.

Đối với mỏ An Tráng, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, giá bán tại mỏ (chưa có thuế) là 318.000 đồng/m3.

Riêng tại mỏ Tịnh An - Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi (hiện lớn nhất tỉnh, chủ sở hữu là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển khoáng sản Quảng Ngãi) cho biết, giá cát bán tại mỏ trước thuế là 323.000 đồng/m3; sau thuế 356.000 đồng/m3.

Đề xuất đưa giá cát về 150 nghìn đồng/m3 để tính thuế

Trước sức nóng của thị trường cát và đặc biệt là cách tính tiền thuế được cho là quá cao dẫn đến giá thành mỗi khối cát bán ra trên thị trường luôn trong tình trạng vượt ngưỡng khiến nhà thầu xây dựng và người dân gặp khó khi mua cát. Thậm chí, có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cát.

Để giải quyết bài toán trên, vừa qua, Sở Xây dựng Quảng Ngãi có công văn gửi Sở Tài chính liên quan đến bảng giá tính thuế tài nguyên năm 2024 trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý, mức giá tính thuế tài nguyên đối với cát vàng dùng trong xây dựng được UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành có hiệu lực từ đầu năm 2024 là 230 nghìn đồng/m3. Nếu chỉ tính thuế tài nguyên thì tăng 12.000 đồng/m3 so với trước đó.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng, việc tính thuế giá cát vàng như vậy là chưa hợp lý, là một trong những nguyên nhân khiến giá cát tăng cao. Do đó, sở này đề xuất Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa giá cát từ 230.000 đồng/m3 xuống còn 150.000 đồng/m3 để tính thuế.

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời", Quảng Ngãi kéo giảm cách nào?- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp xây dựng cho rằng giá cát thực tế, giá cát kê khai của mỏ và giá bán trên thị trường vẫn chưa đồng nhất dẫn đến nhà thầu gặp khó khăn.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Hồng, đề xuất đưa giá cát về mức 150 nghìn đồng/m3 để tính tiền thuế là cần thiết vì đây là ngưỡng trong khung trung bình cho phép và tương đồng với các tỉnh trong khu vực miền Trung nhằm giữ ổn định thị trường cát xây dựng.

Ông Hồng cho rằng, giá tính thuế hiện tại là 230 nghìn đồng/m3, mức giá này cấu thành chung tham gia trực tiếp trong công thức tính tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Từ đó, làm phát sinh tăng tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở một số doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát trước đó, khiến cho giá thành mỗi mét khối cát trước khi xuất bán ra thị trường bị đội lên. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát đã thi nhau trả mỏ vì tiền thuế chênh lệch quá lớn so với năm 2023.

Dẫn chứng việc này, ông Hồng cho hay, cách tính thuế đối với cát vàng xây dựng theo công thức tính của liên bộ Bộ TN&MT và Tài chính phải dựa vào giá tham chiếu trực tiếp trong công thức tính tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là bảng giá tính thuế của địa phương.

Như vậy, nếu với bảng giá cát vàng để tính thuế năm 2023 chỉ là 150 nghìn đồng, thì doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ nộp tiền cấp quyền khai thác ở mức tương đối để tạo nên giá bán ra vừa phải dưới 300 nghìn đồng/m3. Trong khi, cũng công thức trên nhưng giá tham chiếu là 230 nghìn đồng (tăng 80 nghìn đồng/m3) nhưng giá tiền nộp cấp quyền khai thác lại tăng gấp đôi. 

Việc này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trúng đấu giá trả mỏ. Từ đó, nhiệm vụ đưa nguồn vật liệu này ra thị trường không đạt được, nguồn cung khan hiếm nên giá lại đội lên.

"Đơn cử như mỏ cát Tịnh Hà, doanh nghiệp trúng đấu giá trong phiên đấu giá năm 2023 xấp xỉ 20 tỷ đồng (giá tính thuế tài nguyên áp dụng năm 2023). Song, qua tính toán của doanh nghiệp để tính tiền cấp quyền khai thác, số tiền phải nộp tăng lên khoảng 40 tỷ đồng (giá tính thuế áp dụng năm 2024 ở mức 230 nghìn đồng/m3), tăng gấp đôi so với áp dụng giá tính thuế năm 2023. 

Với chừng đó tiền, để khai thác cát doanh nghiệp phải nâng giá bán lên trên dưới 500 nghìn đồng/m3, thậm chí hơn. 

Thủ phủ cát nhưng giá cao "trên trời", Quảng Ngãi kéo giảm cách nào?- Ảnh 4.

Việc kéo giảm giá cát là yêu cầu cần thiết để ổn định thị trường xây dựng tại Quảng Ngãi.

Rõ ràng cách tính tiền thuế hiện nay đang quá cao, tác động lớn đến giá cấu thành mỗi m3 cát trên thị trường. Để giảm giá cát nhất thiết phải thay đổi cách tính thu tiền thuế mới có thể kéo giá cát về đúng với thực tế được", ông Hồng nói.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định 53, ban hành mức giá tính tiền thuế tài nguyên trong đó có cát vàng năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua 10 tháng áp dụng đã khiến thị trường cát xây dựng tại tỉnh này "nhảy vọt".

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn vào cuộc rà soát, tham mưu các giải pháp để kéo giảm giá cát.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.