Ký ức đau buồn
Một ngày trung tuần tháng 4, PV Báo Giao thông tìm về phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nơi từng được coi là "thủ phủ lò vôi"của miền Bắc. Nằm cách TP Hải Dương khoảng 30km, thị xã Kinh Môn giờ không còn bóng dáng lò vôi nữa. Từng cánh đồng lúa, khoảnh vườn mướt xanh, khác hẳn cảnh bụi vôi phủ mờ từ cây cỏ đến nhà cửa gần chục năm về trước.
Ông Văn buồn bã khi nhắc về vụ sập lò vôi.
Ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, xuống cấp nằm gần với ven đường Vạn Chánh, thuộc khu 6, phường Phú Thứ của ông Nguyễn Văn Văn (SN 1969) gần như không có vật dụng gì đáng giá. Ông Văn vừa đi làm công nhân môi trường về, khuôn mặt tỏ rõ vẻ mệt mỏi và khắc khổ.
Theo thống kê của UBND thị xã Kinh Môn thời điểm xảy ra sự cố, trên địa bàn thị xã có 41 lò vôi thủ công với buồng đốt tập trung ở các phường Minh Tân, Phú Thứ, Phạm Mệnh, Duy Tân, Thái Thịnh. Thực hiện quyết định của tỉnh, toàn bộ các lò nung vôi thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn đã bị xóa bỏ.
Bà Trương Thị Bồn, Chủ tịch UBND phường Phú Thứ
Trong sự cố sập lò vôi 8 năm về trước, gia đình ông vừa là chủ lò, vừa là nạn nhân khi mất đi hai người con. Trong đó, nạn nhân Nguyễn Văn Luân (SN 1993) là con đẻ và Trần Văn Dũng (SN 1988, trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là con nuôi.
Đã 8 năm trôi qua kể từ sự cố kinh hoàng chiều 3/7/2016, nhưng khi nhắc lại, ông Văn vẫn buồn rầu không nói nên lời. Ông cho biết, trước đó lò vôi do ông quản lý, nhưng sau ông đi lái xe nên giao lại cho con trai.
Hôm đó, lò vôi đang tạm dừng hoạt động để sửa chữa. Khi đó, có khoảng 5 người bên trong lò và hơn 10 người ở phía ngoài. Tuy nhiên, khi đang sửa chữa, hai người thợ xảy ra xích mích.
"Mâu thuẫn giữa hai người này thì từ lúc sáng rồi, đến chiều khi đang sửa chữa trong lò đã được can ngăn, nhưng mâu thuẫn vẫn diễn ra. Khi đó, một người thợ đã cầm gậy chọc vào phần yếu của lò khiến đất trong lò sụp xuống, vùi 5 người bên dưới, không ai thoát được. Trong đó, có hai con trai tôi", ông Văn cho biết.
Nỗi day dứt chưa nguôi
Lò vôi cũng đóng cửa và giải thể ngay sau đó. Ông Văn tìm được nghề làm vệ sinh môi trường, còn vợ ông làm công ty, lương cũng chỉ vài triệu đồng. Mất hai con, hiện ông Văn chỉ còn một người con thứ hai, giờ cũng làm công nhân công ty cùng mẹ.
Khu vực xảy ra vụ sập lò vôi khiến 5 người tử vong đã trở thành nơi trồng rau.
Ngoài nỗi đau mất hai con, ông Văn tâm sự, bản thân rất day dứt khi chưa hỗ trợ được nhiều cho các gia đình nạn nhân không may thiệt mạng. Bởi khi làm lò vôi, gia đình ông phải vay mượn, hiện nay gia đình cũng đang rất khó khăn, tài sản trong nhà cũng đã bán hết nhưng chưa trả được hết nợ.
"Sau vụ việc, tôi hứa hỗ trợ mỗi gia đình 50 triệu đồng nhưng vẫn đang nợ 2 hộ. Họ thấy gia đình tôi khó khăn, không còn tài sản gì giá trị nên không đòi", ông Văn nói.
Là người có chồng tử vong trong vụ sập lò vôi, từ lúc xảy ra vụ việc đến nay, bà Nguyễn Thị Giỏi (SN 1959) luôn trong trạng thái bất ổn về tâm lý.
Vợ chồng bà Giỏi sinh được ba người con, trong đó có hai con gái và một con trai. Khi những người con lập gia đình riêng, hai ông bà nương tựa vào nhau trong ngôi nhà đã xuống cấp.
Ông Ví đi làm thuê ở lò vôi nhà ông Văn, cũng là nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng. Sau khi ông Ví mất, bà Giỏi rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý, có biểu hiện thần kinh. Sau nhiều năm khám và chữa trị, đến nay bà Giỏi đã đỡ hơn nhưng vẫn không ở với con mà sống một mình.
Xóa sổ lò vôi thủ công
Hơn chục năm trước, Phú Thứ được coi là "thủ phủ" lò vôi thủ công không chỉ của Hải Dương mà còn của cả miền Bắc. Mỗi khi hàng chục lò vôi hoạt động là nỗi ám ảnh của người dân bởi chúng tạo ra các loại khí độc và cực độc, bụi siêu mịn. Nhưng do điều kiện gần núi đá vôi, người lao động xuất thân từ nông nghiệp, trình độ học vấn thấp... nên rất khó tìm việc khác.
Lò vôi thời điểm bị sập.
Sau vụ sập lò vôi kinh hoàng, Hải Dương quyết liệt xóa bỏ những lò vôi thủ công. Bà Trương Thị Bồn, Chủ tịch UBND phường Phú Thứ cho biết, ngày 24/7/2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lộ trình và kế hoạch xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh.
Theo lộ trình, tỉnh không cho phép đầu tư xây dựng mới các loại lò nung vôi thủ công. Đến năm 2020, đã xóa bỏ được toàn bộ các lò nung vôi thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận của PV, hiện người dân tại phường Phú Thứ đã không còn làm lò vôi thủ công nữa. Thay vào đó, họ đi làm công nhân ở một số công ty trên địa bàn phường, hoặc ở nơi khác.
"Hơn 10 năm trước, thu nhập từ lò vôi đã cho tôi 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhà nào mở lò vôi thường cả nhà đều làm công việc này. Nên ban đầu, khi có chủ trương xóa bỏ lò vôi, không chỉ tôi mà nhiều gia đình lo không biết làm nghề gì để có thu nhập.
Thế nhưng với sự hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của từng cá nhân, đến nay không chỉ ở phường Phú Thái, mà trên địa bàn thị xã Kinh Môn cũng không còn lò vôi thủ công nữa rồi.
Mọi người đều tìm được việc làm mới, lò vôi dừng hoạt động thì không khí trong lành, bảo vệ sức khỏe người dân", anh Nguyễn Văn Định, người dân phường Phú Thứ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận