Liên tục chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng
Ngày 16/8, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đi kiểm tra công tác thi công dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An.
Báo cáo nhanh tiến độ dự án, Phó giám đốc Ban QLDA 4 Nguyễn Đình Phúc cho biết: Dự án có tổng chiều dài 27,7km, khởi công từ tháng 9/2022 nhưng đến tháng 12/2023, các huyện Diễn Châu, Đô Lương và Yên Thành (Nghệ An) mới bàn giao được 45/55,4km.
Để có được 45km đó, Ban cùng các nhà thầu đã phối hợp địa phương đi vận động người dân bàn giao trước mặt bằng; cử cán bộ song hành cùng địa phương trong từng công đoạn như kiểm kê, áp giá đền bù.
Cũng theo ông Phúc, sau đó, công tác mặt bằng gặp khó, địa phương bàn giao kiểu "xôi đỗ" theo từng đợt, mỗi đợt từ 3 – 4km (tháng 3/2024 bàn giao 4,2km; tháng 6/2024 bàn giao 3,3km; đến tháng 8 bàn giao thêm 1km, tính cả 2 bên tuyến).
Hiện vẫn còn 2,75km chưa thi công do chưa bàn giao mặt bằng (1,85km) hoặc bàn giao nhưng chưa đáp ứng điều kiện kỹ thuật để thi công (0,9km của đoạn nâng mặt đường).
Dù liên tục gặp khó về mặt bằng nhưng đến nay các nhà thầu trên tuyến đã thi công đạt sản lượng tương đương 75% giá trị xây lắp.
Trong đó, thảm bê tông nhựa được 40/55,4km (81%); 11,5km đã thi công cấp phối đá dăm lớp 1, lớp 2 nhưng không thảm nhựa được vì công địa không liền mạch, dàn trải trên toàn tuyến; 1,15km vừa nhận bàn giao cách đây ít hôm, nhà thầu đang đào bóc phong hóa.
Đáng lo nhất là vị trí cầu vượt đường sắt, hiện vẫn còn trụ T5 và T6 chưa thi công do vướng đất ở của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Duyên ở xã Diễn Phúc.
"Chúng tôi mong các địa phương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, nếu không mốc tiến độ sau khi gia hạn là ngày 30/11/2024 sẽ không thể hoàn thành được", ông Phúc báo cáo.
Nhìn dự án đang dở dang do chưa có mặt bằng, trong khi từng đoàn xe từ các tuyến đường QL1, cao tốc Bắc - Nam ì ạch lăn bánh trên QL7, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy bày tỏ: "Dự án cải tạo nâng cấp QL7 là một trong những dự án quan trọng của tỉnh Nghệ An. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối với QL1 và cao tốc Bắc - Nam, cùng với các tuyến đường khác của địa phương tạo đà cho sự phát triển cho kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây được xem là dự án cấp bách được Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang bị chậm về tiến độ. Mà nguyên nhân của việc này lại bắt nguồn từ việc chậm trễ trong đền bù giải phóng mặt bằng ở địa phương".
Địa phương cam kết thì phải hành động
Ghi nhận của PV trên tuyến, hầu hết công nhân, máy móc phải nằm chờ. Những điểm có thể thi công là những vị trí được các địa phương vừa bàn giao mặt bằng cách đây ít ngày.
Một kỹ sư trên tuyến chia sẻ: "Tình trạng này kéo dài đến gần nửa năm nay rồi. Đưa máy về làm dăm bữa, nửa tháng... lại đưa đi thôi. Nếu có đủ mặt bằng, chắc chúng tôi chỉ dồn lực làm 1, 2 tháng là xong".
Nhức nhối nhất là đoạn nối từ QL1A đến nút giao cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Tại đây lưu lượng phương tiện đông, đặc biệt là xe tải, xe đầu kéo, trong khi đường không đồng bộ, chỗ rộng thoáng, nơi thắt cổ chai tạo ra cảnh tượng lưu thông hỗn loạn, kèm khói bụi khiến ai cũng khó chịu.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: "Chúng ta đều thấy, mặt bằng không có, máy móc nằm chờ gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, nhà thầu. Trong khi đó, trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc về các huyện nơi dự án đi qua.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An và các địa phương cũng đã rất nỗ lực, cố gắng và cũng đã nhiều lần cam kết mốc bàn giao mặt bằng. Đã cam kết thì các địa phương phải hành động, không thể chậm trễ được nữa.
Thời gian bố trí vốn cho một dự án không thể kéo dài và khi dự án đã kết thúc thì sẽ không thể bố trí lại. Việc đảm bảo quyền lợi cho người dân là đúng, nhưng phải chính đáng. Không thể vì một vài hộ dân mà làm ảnh hưởng tới cuộc sống của toàn bộ người dân và sự phát triển của cả địa phương".
Cũng theo Thứ trưởng Huy, dự án chậm, đường dở dang, phương tiện lưu thông gây bụi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho nhân dân.
Ưu tiên gỡ khó mặt bằng
Tại thực địa, ông Hà Xuân Quang, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu đã nhận trách nhiệm về việc chậm bàn giao mặt bằng. Đồng thời cho biết, huyện đã họp rất nhiều, vận động, tuyên truyền cũng rất nhiều nhưng những vị trí còn lại đều là các vị trí khó xử lý.
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban đền bù, giải phóng mặt bằng huyện Diễn Châu cho biết, trong 49 thửa đất chưa giải phóng thì hộ ở dưới chân cầu vượt đường sắt là khó khăn nhất.
"Vừa qua, gia đình đã đồng ý lùi nhà ra phía sau để nhường đất cho dự án, dự kiến 2 tuần nữa bàn giao. Trong thời gian đó, gia đình sẽ thực hiện khiếu kiện ra tòa án. Còn với các trường hợp khác, huyện cố gắng bàn giao trong tháng 9 tới", ông Hiên nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, với 51 thửa đất ở 2 xã Viên Thành và Mỹ Thành, huyện đã nhiều lần tuyên truyền, vận động và làm việc với luật sư đại diện cho người dân.
Tuy nhiên, sau khi phê duyệt mức giá đền bù thì người dân không đồng ý. Sau đó, huyện đã báo cáo tỉnh và công an để xin phương án bảo vệ thi công. Hiện đang chờ phản hồi từ phía công an để tiến hành bảo vệ thi công trong tháng 9.
Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An thông tin, dự án trên đã được Thường trực Tỉnh ủy đưa vào danh sách các dự án trọng điểm của tỉnh để theo dõi về công tác giải phóng mặt bằng.
"Hiện các địa phương cũng đang rất quyết tâm, nỗ lực để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Riêng với các trường hợp cố tình không bàn giao, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công", ông Hiền nói.
Trước các ý kiến của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị: "Hiện nay, đền bù, giải phóng mặt bằng là việc phải làm ngay. Trong đó, các địa phương cần ưu tiên giải phóng các tuyến chính, vị trí đường găng để nhà thầu có mặt bằng thi công".
Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA 4, các nhà thầu tiếp tục phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; Chuẩn bị sẵn phương tiện thiết bị để khi có mặt bằng là triển khai ngay, phấn đấu đưa dự án về đích đúng tiến độ đã gia hạn.
Đồng thời, giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng tham mưu văn bản để kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia giám sát công tác giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp QL7.
Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An có chiều dài 27,7km thuộc đoạn từ Km0 - Km39, qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương (không bao gồm các đoạn đã được đầu tư trước đây).
Tổng mức đầu tư dự án là 1.300 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 861,5 tỷ đồng, chi phí GPMB 250,8 tỷ đồng. Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự án được Bộ GTVT giao Cục ĐBVN làm chủ đầu tư và được khởi công từ tháng 9/2022. Thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2024, riêng đoạn từ Km 0 - Km5 (ngã tư Diễn Châu lên nút giao cao tốc) phải hoàn thành trong năm 2023.
Tuy nhiên, lũy kế sản lượng đến nay mới đạt 535,961/714,785 tỷ đồng (đạt 74,98%) hợp đồng (không tính chi phí dự phòng), chậm 15,5 % so với tiến độ dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận