Tách bạch rõ quản lý Nhà nước và quản lý trực tiếp
Hôm nay (25/12), Cục Đường bộ VN tổ chức tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Cục Đường bộ VN đã đổi mới tư duy từng công việc cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ.
Đơn cử, trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Cục Đường bộ VN hoàn thành xây dựng sửa đổi Luật Đường bộ đạt chất lượng, cơ bản bao quát hết được các vấn đề của ngành và dự báo được sự phát triển trong tương lai để Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội.
Tuy vậy, đề cập đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vận tải, thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, khi xảy ra vấn đề trong quản lý vận tải lại hỏi chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu, trong khi lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra có hạn.
Nguyên nhân là do trong văn bản pháp quy chúng ta không quy định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan ở mức nào, đến đâu và người nào chịu trách nhiệm. Nếu phân cấp rõ sẽ không xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc".
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đường bộ VN xác định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ bằng việc điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác phân cấp, phân quyền.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, không thể tiếp tục để Cục Đường bộ VN quản lý 25.000km quốc lộ. Tới đây, sẽ phải tách bạch rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý trực tiếp.
Cục Đường bộ VN sẽ chỉ tập trung quản lý các quốc lộ chính yếu và phân cấp cho các sở GTVT quản lý các tuyến thứ yếu. Đơn vị được phân cấp, phân quyền sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quản lý tuyến đường. Tỉnh Quảng Ninh đã được phân cấp quản lý toàn bộ quốc lộ trên địa bàn, tới đây cần nhân rộng mô hình này. Chọn một số tuyến, có hành lang pháp lý để thực hiện và người quản lý đường cũng cần phải chính quy, hiện đại.
Chức năng quản lý Nhà nước là xây dựng thể chế chính sách. Cục Đường bộ VN nghiên cứu phân cấp, phân quyền, không ôm đồm theo đúng định hướng của Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo, chỉ ban hành chính sách và làm công tác thanh, kiểm tra. Khi đã phân cấp, phân quyền chỉ thanh, kiểm tra ở cấp sở GTVT đã được phân cấp, phân quyền, không cần phải xuống tận đến doanh nghiệp.
"Cần xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường bộ VN theo hướng phân cấp, phân quyền rõ ràng các lĩnh vực của ngành và được thể hiện trong sửa đổi Luật Đường bộ lần này", thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Đưa phân cấp, phân quyền vào luật
Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, Cục Đường bộ VN đã đưa các quy định về phân cấp, phân quyền cho địa phương quản lý quốc lộ vào dự thảo Luật Đường bộ.
Hiện, cả nước có 610.000km đường bộ, trong đó đã phân quyền quản lý đường tỉnh, đường huyện gần 590.000km. Trong số 25.000km quốc lộ đã ủy quyền cho các sở GTVT quản lý 13.000km.
"Tới đây, sẽ không ủy quyền cho sở GTVT mà sẽ phân cấp cho UBND tỉnh quản lý. Trong số 12.000km quốc lộ Cục Đường bộ VN trực tiếp quản lý có 2.000km thuộc các dự án BOT. Số 10.000 còn lại, Cục Đường bộ VN sẽ rà soát, tuyến nào trong nội bộ của tỉnh sẽ phân cấp cho địa phương quản lý", ông Cường cho hay.
Nói về những kết quả đạt được trong năm qua, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, năm 2023, Cục Đường bộ VN đã hoàn thành xây dựng 19 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 100% kế hoạch giao, trong đó có 1 dự án Luật Đường bộ, 3 Nghị định và 15 Thông tư.
Năm 2023, Cục Đường bộ VN được giao gần 12.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo trì quốc lộ. Đến ngày 19/12, đã nghiệm thu hoàn thành gần 9.600 tỷ đồng, đạt hơn 79%, đã giải ngân hơn 10.100 tỷ đồng, đạt 84%, đảm bảo giải ngân 100% dự toán chi năm 2023.
Trong bảo trì đường bộ, các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến tiếp tục được áp dụng như công nghệ cào bóc tái sinh móng, mặt đường; Ứng dụng các vật liệu chống hằn lún, tăng cường kết dính bê tông nhựa; Các giải pháp gia cường sửa chữa cầu đa dạng để phù hợp với từng loại kết cấu, từng loại và tình trạng hư hỏng công trình.
Trong đảm bảo ATGT, từ cuối năm 2022 đã cho phép chuẩn bị đầu tư xử lý 8 điểm đen, kinh phí hơn 61 tỷ đồng. Đầu năm 2023 đến nay, đã cho phép chuẩn bị đầu tư 13 điểm, kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Đã cho phép đầu tư 49 điểm tiền ẩn TNGT và mất ATGTvới kinh phí 512 tỷ đồng hiện đang triển khai thi công. Đối với 34 dự án xử lý điểm đen bị chậm tiến độ đã hoàn thành thi công 25 điểm, 9 điểm đang triển khai thi công.
Về quản lý vận tải, Cục thường xuyên chỉ đạo các Sở GTVT tăng cường theo dõi, kiểm tra và trích xuất dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Đến hết ngày 19/12, Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 39.000 phương tiện vi phạm tốc độ, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với hơn 476.000 phương tiện.
"Năm 2024, Cục Đường bộ VN phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Hoàn thành 100% giải ngân vốn xây dựng cơ bản và vốn bảo trì đường bộ; Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, BDTX hệ thống quốc lộ trên toàn quốc; Xử lý kịp thời các điểm đen mới phát sinh, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí", ông Thắng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận