Thị trường

Thủ tục xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp muốn kiện mà không dám

15/07/2021, 14:33

Nhiều doanh nghiệp cho biết muốn kiện cơ quan thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá mà không dám…

Sáng nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Một số phát hiện từ kết quả khảo sát năm 2020” do VCCI và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) phối hợp thực hiện.

Thái độ công chức hải quan được đánh giá cao

Báo cáo đánh giá, lĩnh vực thủ tục hành chính xuất nhập khẩu trong 10 năm qua đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận, đã có nhiều cải cách được thực hiện để tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

img

Ông Đậu Anh Tuấn tóm tắt kết quả báo cáo

Ông Đậu Anh Tuấn: Thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành khác nhau nhưng không có nhóm thủ tục của bộ nào vượt quá 50% nên tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng vẫn còn thấp, phần lớn doanh nghiệp cho rằng bình thường, số gặp khó vẫn cao. Ngay thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hoá thì nhu cầu cải cách hơn nữa cần đẩy mạnh thời gian tới.

Một số khó khăn doanh nghiệp gặp phải là quy trình thực hiện phức tạp (55,3%), doanh nghiệp cần đi lại nhiều lần (54,6%), thời gian giả quyết dài hơn quy định, thông tin khó tiếp cận, điện tử hoá các giao dịch vẫn chưa tuyệt đối, vẫn có nơi có lúc phải đến tận nơi mới được giải quyết, tạo cơ hội nhũng nhiễu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hoạt động kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan; 87,2% doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan có tính hiệu quả; 56% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động trong năm 2020, tăng so với con số 43% của năm 2018.

Các doanh nghiệp đã thực hiện qua hệ thống tự động (VASSCM) cảm nhận mức độ thuận lợi nhiều hơn hẳn so với phương thức truyền thống.

Các doanh nghiệp đã đánh giá cao nhất công chức hải quan về tiêu chí văn minh, lịch sự khi tiếp xúc (53% doanh nghiệp đánh giá cao), thực hiện đúng thẩm quyền (51%), công tâm, tận tuỵ khi thi hành công vụ (47%), coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác (46%), nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc (45%). Các kết quả này đều cải thiện so với đánh giá trong khảo sát năm 2018.

Ông Tuấn cũng cho biết, một số bộ, ngành được các doanh nghiệp đánh giá cao như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Muốn kiện mà không dám

Bên cạnh những tích cực, các doanh nghiệp cho biết, nhiều thủ tục vẫn gây trở ngại. Đơn cử như kiểm tra sau thông quan, tình trạng kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo; Doanh nghiệp bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định.

“Nội dung tương đối nóng là thủ tục liên quan xác nhận mã hàng hoá HS và trị giá hải quan”, ông Tuấn cho hay. Qua phản ánh trực tiếp hàng nghìn doanh nghiệp thủ tục xác nhận mã HS và trị giá hải quan là vấn đề lớn được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Năm 2018, có 66,3% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra xác nhận mã HS trước khi khai hải quan thì năm 2020 tỷ lệ này tăng lên 76,2%.

Tương tự, với xác định trị giá hải quan, năm 2020 vẫn có 48% doanh nghiệp gặp khó khăn: Một số khó khăn chính được ông Tuấn nêu là tình trạng áp dụng mã HS không thống nhất giữa các cơ quan hải quan với doanh nghiệp.

“Nhiều lúc, doanh nghiệp bị xử phạt, truy thu mà không phải lỗi từ phía doanh nghiệp mà do cách hiểu khác nhau giữa các công chức hải quan hay giữa các cơ quan hải quan. Mức độ hợp tác để xác định mã HS chưa phải tích cực, mất nhiều thời gian.

Xác định trị giá hải quan khiến nhiều doanh nghiệp không tâm phục khẩu phục, nhiều nơi hải quan search giá trên trang web bán hàng online trong khi doanh nghiệp lại mua hàng theo kênh riêng, không phải mua trên mạng nên giá khác. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách Môi trường kinh doanh (Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ - CIEM) nói thêm, xác định trị giá hải quan là vấn đề tồn tại từ lâu, đã được phản ánh nhiều, chủ yếu liên quan tới không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Bà Thảo cho biết, nhiều doanh nghiệp phải ánh rằng: “Chúng tôi muốn kiện lắm nhưng không dám kiện”.

Ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên ban chấp hành Hiệp hội Logistic Việt Nam cũng cho biết, doanh nghiệp muốn kiện hải quan về việc xác định trị giá tính thuế nhưng không dám. “Thực tế nhiều tính huống cơ quan hải quan áp trị giá tính thuế rất oan uổng làm tỷ suất lợi nhuận cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh nội địa của doanh nghiệp biến mất. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan hải quan nhìn nhận khách quan”, ông Nghĩa nói.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Có những chỉ tiêu chưa được vui lắm, đó là nội dung liên quan đến phân loại hàng hoá HS, xác định trị giá hải quan và một số nội dung khác. Chúng tôi đã nhận thức, đã thấy và từng bước khắc phục nhưng cái này không chỉ hải quan mà liên quan rất nhiều lĩnh vực.

Chỉ riêng về mã hàng hoá HS, chưa có nước nào có biểu thuế xuất nhập khẩu phức tạp như Việt Nam. Tham gia FTA mức thuế đã giảm nhưng mức thuế suất vẫn quá lớn, khác nhau giữa các mức thuế suất khác nhau nên nó rất phức tạp. Chúng ta đang có hơn 30 thuế suất, gấp 3 lần các nước. Nếu đơn giản được mức thuế suất sẽ đơn giản hơn. Hải quan đã thế rồi thì các chuyên ngành khác và danh mục cũng phải đơn giản theo. Chúng tôi sẽ cải tiến hơn nữa để doanh nghiệp hài lòng.

Chúng tôi cũng kiến nghị tới đây sẽ xem xét đánh giá đảm bảo tính công bằng giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan; Đánh giá doanh nghiệp tuân thủ cao, trung bình và không tuân thủ để hướng tới cộng đồng doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật.

Còn về kiểm tra chuyên ngành có lẽ phải cùng các bộ ngành nghiên cứu sâu hơn, danh mục phải kiểm tra chuyên ngành cần phải xem xét lại. Các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành phải tránh trùng lắp. Có những lô hàng thủ tục hải quan sẽ thông quan ngay sau 3 giây, nhưng lại vướng ở thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Phải tính lại phần danh mục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục giấy tờ phải làm có bao nhiêu bước, bao nhiêu quy trình, thời gian kiểm tra, chi phí kiểm tra… thuộc chuyên ngành nào, bộ nào. Từ đó mới đánh giá và có cơ sở đánh giá xem xét cụ thể.

img

Giá vàng hôm nay 15/7: Vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.