Xã hội

Thủ tướng chia sẻ trăn trở giải quyết hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Thủ tướng, giải quyết hạ tầng giao thông ở ĐBSCL là một trong những vấn đề mà Chính phủ trăn trở. Cả Trung ương, địa phương phải cùng quyết tâm, phối hợp chặt chẽ để làm bằng được.

Trung ương và địa phương cùng phối hợp phát triển hạ tầng

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; Dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng trao đổi về vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau đề xuất kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long).

Theo Thủ tướng, giải quyết hạ tầng giao thông ở ĐBSCL là một trong những vấn đề mà Chính phủ trăn trở.

Trung ương, địa phương phải bắt chặt tay để phát triển hạ tầng ĐBSCL - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại tổ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về đường thủy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là "món quà" thiên nhiên ban tặng  ĐBSCL nhưng khi khai thác phải theo hướng bền vững.

Hiện nay, đã có quy hoạch đường thủy, giờ cần tập trung quy hoạch các bến cảng, cầu cảng, dành nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Cả Trung ương và các địa phương phải nỗ lực chung tay thực hiện.

Về đường bộ, Thủ tướng cho biết, hiện hai trục giao thông chính là trục Bắc - Nam, từ TP.HCM qua Cần Thơ xuống Cà Mau và trục đông tây từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang đến An Giang đang quyết liệt hoàn thành và phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này.

Cả Trung ương và địa phương phải nỗ lực để làm được. Từ hai trục chính này, sau đây sẽ làm đường hướng tâm kết nối lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng chỉ ra: "Giao thông vận tải là một trong những vấn đề ưu tiên quan trọng để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên sông nước tại ĐBSCL, đảm bảo an toàn, lưu thông hàng hóa, logistics.

Chỉ có giải quyết hạ tầng giao thông mới tạo được không gian mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp, tạo công việc sinh kế cho người dân".

Về hàng không, Thủ tướng cho rằng, cần nâng cấp sân bay Cà Mau để hỗ trợ, giảm tải cho các hình thức vận tải khác trong vùng. 

"Đường cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn, mà không có hàng không hỗ trợ thì Cà Mau rất khó phát triển", Thủ tướng nói.

Để làm được, Thủ tướng cho rằng Trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tinh thần quyết tâm cao.

Ông dẫn lại bài học xây dựng sân bay Điện Biên để làm rõ. Từ địa phương, phải có quyết tâm và tập trung, không ỷ lại Trung ương. Địa phương đầu tư giải phóng mặt bằng, Trung ương đầu tư làm đường bay, sân đỗ, nhà ga. Có như vậy mới có sân bay Điện Biên và dự kiến hoàn thành trong năm nay.

"Nếu biết tháo gỡ thì sẽ có nguồn lực", Thủ tướng nói.

Về đường sắt, theo Thủ tướng, hệ thống đường sắt ở ĐBSCL hiện đã có quy hoạch, vấn đề là phải bố trí nguồn lực thế nào để làm. Ngân sách Trung ương phải chủ đạo cả về thu và phân bổ ngân sách, liên kết vùng, liên kết tỉnh.

"Chúng ta có khả năng làm được, vấn đề là phải mạnh dạn, quyết tâm. Khi đã thấy đúng phải huy động nguồn lực để thực hiện", Thủ tướng nhấn mạnh.

Chi 4.000 tỷ cho ĐBSCL khắc phục hạn hán, sụt lún, ngập mặn

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc giải quyết triệt để tình trạng hạn hán, ngập mặn, sụt lún, sạt lở ở ĐBSCL là một vấn đề khác từ lâu Đảng, Nhà nước, Chính phủ trăn trở. 

Theo thông tin đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cung cấp tại cuộc họp, Viện Tài nguyên thế giới dự báo, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích ĐBSCL bị ngập, lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác.

Sau chuyến công tác kiểm tra vừa qua, Chính phủ quyết định chi 4.000 tỷ để trước mắt khắc phục hạn hán, sụt lún, ngập mặn để bố trí cho các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu Quốc hội chung tay tăng cường giám sát việc thực hiện nguồn đầu tư này.

Trung ương, địa phương phải bắt chặt tay để phát triển hạ tầng ĐBSCL - Ảnh 3.

Thủ tướng cùng các đại biểu thảo luận tại tổ (Ảnh: VGP).

Song, về lâu dài, Thủ tướng cho rằng cần có các dự án lớn, đặc biệt tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau để giải quyết các vấn đề sụt lún, sạt lở.

"ĐBSCL có nhiều việc cần phải làm nhưng việc cấp bách trước mắt là khắc phục sạt lở, sụt lún ngập mặn", Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu ĐBSCL chuẩn bị các dự án mang tính lâu dài, huy động vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở.

Từ đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam phải cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Nước ta, đặc biệt ĐBSCL bị ảnh hưởng nhất vì biến đổi khí hậu, phải chung tay với thế giới để giải quyết triệt để vấn đề này về lâu dài và bền vững.

Bên cạnh sức mạnh nội tại, cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức liên quan trên dòng sông Mê Kông để giải quyết vấn đề này.

Hiện tại, chúng ta rất tích cực hợp tác với tiểu vùng sông Mê Kông, với các nước lớn trong khu vực và cả các tổ chức liên quan, kêu gọi các nước có điều kiện kinh tế khoa học, hiểu biết liên quan tới dòng chảy, địa chất, phù sa… như Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước khác hỗ trợ.

Nếu đã đi vay, phải có cách làm mới, tư duy mới, tận dụng vốn nước ngoài để làm các dự án lớn, tổng thể, xoay chuyển tình thế, trạng thái chứ không làm manh mún, dàn trải, Thủ tướng nhấn mạnh.

Điểm sáng về hạ tầng

Chia sẻ tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Vĩnh Long cũng nhấn mạnh về điểm sáng đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông.

Chúng ta đã triển khai, hoàn thành một số công trình hạ tầng trọng điểm quan trọng, như các cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái…, qua đó giúp năng lực vận chuyển được cải thiện, giảm chi phí logistics vốn là trở ngại lớn đã tồn tại trong nhiều năm.

Bà Thanh đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm hỗ trợ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chuẩn bị đảm bảo các điều kiện triển khai dự án cầu Đình Khao, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng kết nối đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Phát triển giao thông theo hướng liên hoàn, kết nối nội tỉnh và liên vùng; gia tăng năng lực sản xuất, từng bước hình thành không gian phát triển mới, các hành lang, tuyến kinh tế, đô thị, công nghiệp, du lịch trọng điểm trong tỉnh; tăng khả năng giao thương, mở rộng thị trường, kết nối thông suốt với các địa phương vùng ĐBSCL, TP.HCM và Đông Nam Bộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.