Xã hội

Thủ tướng: Không câu nệ trong ngoại giao kinh tế

04/07/2023, 07:15

Thủ tướng nhấn mạnh phát huy tinh thần ngoại giao cây tre, ngoại giao vaccine để tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác một cách cân bằng.

Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.

5 bài học kinh nghiệm về ngoại giao kinh tế

Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với Báo cáo của Bộ Ngoại giao và chia sẻ nhiều ý kiến của các đồng chí, đại biểu tham dự.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các nỗ lực và kết quả của ngành ngoại giao, các bộ, ngành, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao kinh tế thời gian qua, góp phần vào thành tựu, kết quả chung của đất nước.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Thủ tướng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm cần quán triệt, tiếp tục phát huy trong triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Đó là: Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và "dĩ bất biến ứng vạn biến"; nắm chắc tình hình để tham mưu, đề xuất, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, phối hợp hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm; phát huy và khai thác lợi thế trong quan hệ với mỗi nước.

Nhắc lại “6 cơn gió ngược” với cường độ mạnh đang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và nhiều khó khăn trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không khuất phục, không bó tay trước khó khăn, thách thức để triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).

Phát huy tinh thần ngoại giao vaccine – không câu nệ, miễn là hiệu quả

Về trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế từ nay tới cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn.

Trong đó cần phát huy tinh thần "ngoại giao cây tre", tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng trên tinh thần chân thành, tin cậy, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe và thấu hiểu.

Thủ tướng nhấn mạnh:

Lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu; đề cao đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương (cách tiếp cận toàn cầu); người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là động lực (cách tiếp cận toàn dân)

Ngoài ra, cần tiếp tục phát huy tinh thần khi triển khai ngoại giao vaccine trong thời kỳ dịch bệnh, đó là tinh thần không câu nệ, miễn là có hiệu quả cao nhất.

Chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại.

Mỗi chương trình cần có dự án, sản phẩm rất cụ thể, có tính khả thi, rà soát, đôn đốc thường xuyên để đạt hiệu quả, kết quả cụ thể.

Nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay (như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...)

Thủ tướng chỉ ra: "Vừa qua, Việt Nam đã thiết lập Đối tác kinh tế số, kinh tế xanh với Singapore; các chương trình ODA thế hệ mới với Nhật Bản; thúc đẩy kết nối chiến lược về phát triển và cơ sở hạ tầng với Trung Quốc; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; chuẩn bị ký FTA với Israel, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện với UAE..."

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ còn chỉ đạo thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tranh thủ mọi cơ hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là về đầu tư và xuất khẩu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.