Đất nước cần sự xung kích của thanh niên
Sáng 26/3, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số. Đây là một vấn đề mà đất nước sẽ phải dựa phần lớn vào sức sáng tạo, sức trẻ của thanh niên.
Theo chia sẻ của anh Bùi Quang Huy, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, chủ đề "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong chuyển đổi số quốc gia" trong hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm nay do Thủ tướng quyết định.
Thủ tướng chọn chủ đề này vì hai lý do cơ bản. Một là, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện.
Đồng thời, kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần năm sẵn sàng như thông điệp của Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên tại Chương trình đối thoại năm 2023.
Sự xung kích cần thể hiện ở chỗ sẵn sàng tiên phong chuyển đổi số, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu làm bất kỳ việc gì, xông pha vào việc khó, việc mới khi Tổ quốc cần điển hình như công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Phải gắn phong trào thanh niên với chuyển đổi số
Từ chủ đề tưởng chừng khá kỹ thuật, trước những câu hỏi và băn khoăn của giới trẻ, người đứng đầu Chính phủ đã dẫn dắt, liên hệ với những vấn đề rất thực tiễn trong cuộc sống để các bạn trẻ nghe, hiểu và ngấm.
Mở đầu cuộc đối thoại, bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đã đặt câu hỏi về nguy cơ an ninh mạng và hành động của Chính phủ để đảm bảo vấn đề này.
Bên cạnh câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong đó nêu rõ giải pháp từ Chính phủ, Thủ tướng đã bình luận thêm, lấy tư duy về hai mặt tích cực/tiêu cực của cuộc sống để làm lời dẫn.
Theo Thủ tướng, nên nhìn nhận cái gì cũng có hai mặt, tích cực và hạn chế, một tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở.
"Trong cuộc sống và tư duy, tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản", Thủ tướng bày tỏ.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; khi có thuận lợi thì sẽ kèm theo khó khăn, đó là việc bình thường. Quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc".
Đi vào câu hỏi của bạn Trung, Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng; thứ hai là phân công các bộ, ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố, như hôm qua có sự cố liên quan tới chứng khoán.
Theo Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), trong đó có phần liên quan tới an ninh mạng.
Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa. Trong đó, theo người đứng đầu Chính phủ các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Thủ tướng bày tỏ: "Tôi đã từng chia sẻ rằng phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho cả nước.
Tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ (để vừa là công dân Việt Nam, vừa trở thành công dân toàn cầu); phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng".
Tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện
Với câu hỏi về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, Thủ tướng đã bổ sung thêm hai nội dung vào câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: "Chính phủ xác định cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo".
Các bạn trẻ đặt câu hỏi với các đại biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).
Do đó, Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội.
Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau; tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những khu vực này bao giờ cũng có thiệt thòi, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và khi có chính sách nào mới thì luôn có các chính sách riêng với các khu vực đó.
Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện, dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, thì Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có ưu tiên về chính sách, đào tạo nhân lực… với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Không chỉ trả lời, Thủ tướng cũng đặt câu hỏi để lắng nghe chia sẻ của giới trẻ.
"Các bạn đã đặt nhiều câu hỏi, tôi xin hỏi lại các bạn: Thứ nhất, theo các bạn, đâu là cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong chuyển đổi số? Hai là các bạn hiến kế gì để Chính phủ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số? Ba là các bạn có đóng góp gì để thực hiện mục tiêu Chính phủ số, xã hội số, công dân số?", Thủ tướng nêu câu hỏi.
Đáp lại loạt câu hỏi của Thủ tướng là sự nhiệt tình trả lời của rất nhiều bạn trẻ như Nguyễn Thị Trang, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia thuộc Bộ Nội vụ hay Hoàng Minh Hằng, Phó Bí thư huyện đoàn Thanh Trì, TP Hà Nội; Trịnh Văn Chiến, giảng viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các bạn trẻ đều cho rằng chuyển đổi số thì không phải một người hay một tổ chức, hay chỉ Chính phủ làm mà chuyển đổi số là công việc mà tất cả mọi người đều phải tham gia, cùng đóng góp để từ đó xây dựng được tài nguyên số, để mỗi người dân là một công dân số. Lực lượng thanh niên với sức trẻ, luôn tiên phong, đi đầu, sẽ luôn tham gia tích cực trong công tác này.
"Nhà nước nên tạo ra những kênh để người dân có thể phản hồi những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chuyển đổi số, đề từ đó người triển khai có thể hoàn thiện hơn trong tương lai", bạn Trịnh Vạn Chiến đề xuất.
Khép lại hội nghị với gần 10 câu hỏi và chia sẻ từ các bạn trẻ, Thủ tướng vẫn nhắn nhủ thêm: "Các bạn thanh niên còn có các câu hỏi khác, có thể gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ".
5 xung kích và 6 khát vọng
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đoàn viên, thanh niên cả nước nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Để nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với lực lượng thanh niên, Thủ tướng dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên. Thanh niên là chủ tương lai của đất nước"; "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội".
Ông chia sẻ thực sự xúc động trước nhiều tấm gương sáng của thanh niên Việt Nam. Không chỉ ở thời chiến, ngay trong thời bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã nỗ lực quên mình, hy xương máu khi tuổi đời còn rất trẻ để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.
"Mong các bạn luôn tự tin vươn lên với năng lượng tích cực", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.
Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP.
"Việt Nam là quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trong khu vực, nhưng chúng ta xuất phát điểm thấp, do đó mục tiêu là làm sao "đi sau nhưng về trước", theo kịp, tiến cùng và bứt phá vươn lên" - ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, có 5 yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số đối với nền kinh tế: Xây dựng chiến lược bài bản, tổng thể với lộ trình phù hợp; Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; Đổi mới phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa; Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá của mọi chủ thể, nhất là thế hệ trẻ;Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có "Sáu khát vọng": Khát vọng đóng góp, cống hiến; Khát vọng học tập, rèn luyện; Khát vọng đổi mới, sáng tạo; Khát vọng lập thân, lập nghiệp; Khát vọng hội nhập, phát triển; Khát vọng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh toàn dân tộc
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện cho đoàn và thanh niên phát triển đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sứ mệnh của mình; xử lý kịp thời các kiến nghị; có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp; hỗ trợ đoàn và thanh niên khi gặp khó khăn, nhất là những đối tượng yếu thế.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân cả nước luôn tin tưởng, hy vọng và mong muốn Đoàn và thanh niên khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử trong mọi hoạt động, nhất là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đã nêu.
"Chúng ta cùng nhau đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng phát biểu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận