Xã hội

Sớm chuyển gần 14 nghìn tỷ đồng cho Bộ GTVT và 8 địa phương làm 3 dự án

06/12/2023, 10:40

Thủ tướng yêu cầu thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ GTVT và 8 địa phương triển khai 3 dự án quan trọng quốc gia.

Văn bản chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay

Sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chỉ còn hơn 20 ngày nữa là sẽ kết thúc năm 2023 và và còn khoảng 1 tháng nữa sẽ tiến hành hội nghị tổng kết năm 2023.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết phiên họp và dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; phân tích tình hình tháng 11 có gì mới, có gì khác so với tháng 10, chỉ rõ kết quả, những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng: Nhìn thẳng vào sự thật, nếu quy định không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống thì phải điều chỉnh ngay- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng đánh giá, trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt: Giữ vững kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thế giới bấp bênh, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy trên cả 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ).

Điểm lại một số ví dụ cụ thể, Thủ tướng nhắc tới một số ngành như công nghiệp đã phục hồi, nhất là chế biến, chế tạo.

Giải ngân vốn đầu tư công tốt. Thu ngân sách Nhà nước lúc đầu dự báo khó khăn, nhưng nhờ thực hiện số hóa, chỉ đạo quyết liệt "thu đúng, thu đủ, thu kịp thời". Đến nay đã đạt 95% dự toán, mặc dù vẫn giảm thuế kịp thời.

Song, tình hình tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy.

Thủ tướng: Nhìn thẳng vào sự thật, nếu quy định không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống thì phải điều chỉnh ngay- Ảnh 5.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Phân tích một số ví dụ cho thấy phản ứng chính sách vẫn có lúc chưa kịp thời, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 12/2023 cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi. Nếu văn bản ban hành mà không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống hoặc ban hành xong mà tình hình thay đổi thì điều chỉnh ngay.

"Điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động", Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, phải luôn sẵn sàng ứng phó những cú sốc bên ngoài; do vậy kinh tế vĩ mô phải ổn định, đời sống nhân dân phải được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần; phát huy dân chủ, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo…

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu: Kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Sớm chuyển gần 14 nghìn tỷ đồng cho Bộ GTVT và 8 địa phương làm 3 dự án

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chuẩn bị tốt các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường sắp tới.

Về đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công kế hoạch 2023 còn lại trước ngày 10/12, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023.

Thủ tướng: Nhìn thẳng vào sự thật, văn bản không phù hợp phải sửa ngay - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển".

Thực hiện các thủ tục chuyển 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương để triển khai thực hiện ba dự án quan trọng quốc gia.

Khẩn trương trình Chính phủ Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về việc giảm thuế VAT theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo (xác định rõ nội dung, quy định pháp luật cụ thể, thẩm quyền xử lý) để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Hoàn thành việc sửa đổi các nghị định, thông tư để tháo gỡ khó khăn về đất đai, nhất là công tác định giá đất, ban hành ngay trong đầu tháng 12/2023 để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án bất động sản tạo đà cho phục hồi thị trường.

Với các đề án, nhiệm vụ, công việc được giao hoàn thành trong năm 2023, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai quyết liệt, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh hoan nghênh các cơ quan vừa qua đã làm tốt, đúng tiến độ việc nâng cấp sân bay Điện Biên, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành ba dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 70 km (cầu Mỹ Thuận 2, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ).

Hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia…

Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao (vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…); có giải pháp cụ thể để tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh...).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.