Yêu cầu 3 tỉnh hoàn thiện thủ tục giao mỏ, hỗ trợ Cần Thơ
Trả lời kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án trọng điểm về giao thông và các công trình trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác chậm nhất trong năm 2023.
Việc này cần tuân thủ cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội.
Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng giao thông và công trình xây dựng khác.
Cũng trong văn bản, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện chuỗi dự án khí - điện lô B Ô Môn (bao gồm các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn), sớm khởi công các nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV.
Về việc hoàn thành thủ tục và bàn giao đất quốc phòng cho TP Cần Thơ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND TP Cần Thơ lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đúng quy định.
Bộ GTVT được giao hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu, tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá sản phẩm tận thu của dự án.
Về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án chung.
Sau khi đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ GTVT hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương có liên quan (trong đó có TP Cần Thơ) nghiên cứu xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không, huy động nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Đánh giá toàn diện tác động môi trường để xem xét khai thác cát biển làm vật liệu
Về việc tỉnh Sóc Trăng thực hiện một số cơ chế đặc thù trong khai thác cát biển, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá toàn diện tác động môi trường, đặc biệt là sự ổn định của đới bờ biển, nguy cơ gây xói lở bờ biển… để có cơ sở xem xét việc khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng.
Trong đó, có việc san lấp khu logistics diện tích 4.000ha thuộc dự án Cảng Trần Đề, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2023.
Về hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (gồm tuyến đê chắn sóng, nạo vét, thiết lập tuyến luồng hàng hải, vùng trả đón hoa tiêu) của dự án cảng Trần Đề, Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng làm rõ khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa và năng lực của nhà đầu tư, đề xuất phương án đầu tư, trong đó ưu tiên huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ thực hiện dự án sẽ được xem xét khi đã rõ phương án xã hội hóa, nhà đầu tư, khả năng cân đối của ngân sách trung ương và địa phương. Nhiệm vụ này cũng cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2023.
Về kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan rà soát các chính sách hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển văn hóa - xã hội và du lịch. Thời hạn báo cáo Thủ tướng là trong tháng 12/2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận