Xã hội

Thủ tướng yêu cầu cung cấp "ô xy, dinh dưỡng" cho doanh nghiệp bất động sản

03/08/2023, 19:00

Chiều nay (3/8), Thủ tướng chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

"Rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó"

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thị trường bất động sản có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, các doanh nghiệp có lúc lãi và có lúc lỗ.

"Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, các khó khăn, vướng mắc, đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả", Thủ tướng nói.

img

Thủ tướng chủ trì phiên họp, với sự tham dự của các phó thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành (Ảnh: VGP).

Cho biết, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra trên thị trường bất động sản, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".

Các chủ thể có liên quan như cơ quan quản lý, địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán bất động sản phải cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Lưu ý phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Sau khi nghe báo cáo của các bộ, ngành và các tham luận với những giải pháp rất cụ thể từ các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, cần tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

img

Thủ tướng phát biểu kết luận (Ảnh: VGP).

Đặc biệt, để cung cấp "ô xy, dinh dưỡng" cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí…

"Giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần 'cái gì được thì cho đi trước', không thể chờ cả gói mới thực hiện miễn là đúng luật pháp; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển", Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý:

Các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.

Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình.

"Cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở", Thủ tướng cho hay.

Về nhiệm vụ cụ thể với khối doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội.

Tập trung nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường.

Rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án.

Số doanh nghiệp giải thể tăng 30,4%

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực bất động sản trong quý II/2023 có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như: về thể chế, về pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương.

Số doanh nghiệp bất động sản đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như pháp lý; tổ chức thực hiện; vướng mắc về nguồn vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.