Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ nữ tham chính cao
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phát huy cao độ vai trò, tiềm năng to lớn và không ngừng nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì buổi gặp mặt
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà:
Hiện nay, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có 19 người (chiếm 9,5%), trong đó có 1 nữ Ủy viên Bộ Chính trị; 2 nữ trong Ban Bí thư; 1 nữ Phó chủ tịch nước; 3 nữ Bộ trưởng và 1 nữ cơ quan thuộc Chính phủ, 10 nữ thứ trưởng và tương đương; 3 nữ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 34 nữ Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội...
Với tỉ lệ này Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước đứng đầu thế giới có tỉ lệ nữ tham chính cao.
Việc xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.
Quan điểm này được thể hiện sâu sắc và xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030". Đây là một sự khởi đầu rất ý nghĩa đối với phụ nữ cả nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn, hạn chế như tỉ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược còn thấp so với tiềm năng.
Theo đánh giá gần đây, trong 10 năm qua (2012-2022), mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Trên thực tế, chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 83 nhưng xét về khoảng cách giới trong tham chính thì Việt Nam đứng thứ 106 trong số 146 nước.
Đồng thời, chị em phụ nữ cũng còn băn khoăn về tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ, giá trị gia đình, truyền thống, giáo dục gia đình đứng trước nhiều thách thức trước tác động của mạng xã hội.
Trước thực trạng này, bà Nga cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang tích cực tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động cụ thể tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt.
Thủ tướng trao Giải thưởng Kovalevskaia
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kovalevskaia đã trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho các nhà khoa học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho các nhà khoa học có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc
Giải Kovalevskaia 2022 vinh danh tập thể nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội, với hướng nghiên cứu: Tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc; nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc.
Về giải thưởng cá nhân, nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2022 là GS.TS. Lê Minh Thắng, Giảng viên cao cấp bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội với hướng nghiên cứu chính: Chất xúc tác xử lý khí thải, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
Đây là những tấm gương điển hình nữ về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đại diện cho trí tuệ, khát vọng của các thế hệ người Việt Nam.
Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong mỗi gia đình, phụ nữ là người giữ ấm, giữ lửa, là nguồn lực, động lực phát triển gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của xã hội.
Những đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ nối tiếp thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ".
Để phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt
Tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; ba Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Dân số; hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.
Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.
Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả Đề án Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận