Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ mở ra chương mới cho quan hệ thương mại, đầu tư song phương Việt Nam - Pháp.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới.
Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU
Sau khi Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, người Pháp lại đến với tư cách nhà đầu tư với tổng số vốn từ năm 1993 đến nay gần 20 tỷ USD.
Hiện nay, có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực ở Việt Nam.
Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 16/143 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa.
Ngoài ra, Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.
Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại EU và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và Pháp năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại hai nước đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp
Theo đại diện Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm dược phẩm chất lượng cao. Trong khi đó, Pháp là nơi đặt trụ sở của một số công ty dược phẩm hàng đầu thế giới và nổi tiếng về sản xuất các loại thuốc tân tiến. Nhiều công ty dược phẩm trong số này đã hiện diện tại Việt Nam, thông qua liên doanh, đầu tư trực tiếp hoặc thỏa thuận phân phối như: Sanofi, Servier, Ipsen và Pierre Fabre.
Pháp được xem là "quốc gia tiêu dùng" ở châu Âu với quy mô thị trường 68 triệu khách hàng, đạt tiêu chí mỗi cá nhân chi tiêu ít nhất 12 USD/ngày. Đây là cơ hội không nhỏ với nền kinh tế xuất khẩu mạnh như Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Pháp các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử.
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao.
Tuy vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng nhập khẩu của Pháp, vị Tham tán cho rằng: Tiềm năng, dư địa thị trường Pháp vẫn còn rất lớn, song việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp - một trong những nền kinh tế lớn của EU, đòi hỏi các chiến lược toàn diện và bài bản từ phía Việt Nam. Pháp không chỉ là một thị trường có nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn có các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội.
Để tăng cường xuất khẩu sang Pháp, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của EU là vô cùng cần thiết. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường của EU. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Pháp mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Song song với việc tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhà cung cấp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng hàng hóa để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận