Số vốn được giao thấp hơn năm trước
Những ngày cuối tháng 1/2024, sau chuỗi ngày thời tiết bất lợi, hơn 1.800 công nhân vận hành khoảng 900 đầu máy thiết bị trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang vẫn miệt mài thi công đồng loạt các hạng mục cầu, đường để tiếp tục lũy tiến sản lượng.
"Sản lượng thi công dự án hiện đã đạt khoảng 35% giá trị hợp đồng, vượt khoảng 3,5% so với kế hoạch", ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án được bố trí hơn 3.700 tỷ đồng. Sau các đợt điều hòa vốn, khoảng 730 tỷ đồng được "rót" thêm. Với sự chuyên nghiệp của các nhà thầu, sự đồng hành của Chính phủ, Bộ GTVT, sự hỗ trợ tối đa về mặt bằng, vật liệu của tỉnh Khánh Hòa, kết thúc năm 2023, dự án đã giải ngân được 100% số vốn được bố trí.
Bước sang năm mới, Vân Phong - Nha Trang tiếp tục là một trong hai dự án được phân bổ nguồn vốn lớn nhất trong các dự án của Ban QLDA 7.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 cho biết, năm 2024 kế hoạch vốn đơn vị được giao đợt 1 là 6.015 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu cho hai dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (2.316 tỷ đồng), Vân Phong - Nha Trang (2.339 tỷ đồng).
Là một trong những ban QLDA có kết quả giải ngân cao nhất của Bộ GTVT trong năm 2023 với tỷ lệ 98,7% (tổng kế hoạch vốn hơn 9.850 tỷ đồng), năm 2024, Ban QLDA Thăng Long tiếp tục được giao hơn 4.427 tỷ đồng.
Theo ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, số vốn Ban QLDA Thăng Long được giao năm nay tập trung chủ yếu ở 5 dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (hơn 1.320 tỷ đồng); Hàm Nghi - Vũng Áng (gần 1.500 tỷ đồng); Mai Sơn - QL45 (hơn 980 tỷ đồng); Phan Thiết - Dầu Giây (gần 537 tỷ đồng) và dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long xấp xỉ 75 tỷ đồng.
Cùng trong nhóm các ban QLDA có kết quả giải ngân tốp đầu năm 2023 (98,72%), ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, phát huy kết quả đạt được, năm 2024, đơn vị này đã đăng ký và được giao tổng số vốn 8.685 tỷ đồng.
Số vốn được phân bổ chủ yếu cho 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Diễn Châu - Bãi Vọt 1.824 tỷ đồng; Vũng Áng - Bùng 2.992 tỷ đồng; Bùng - Vạn Ninh (1.849 tỷ đồng) và dự án thành phần 2 thuộc dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 là (1.756 tỷ đồng).
Dù kế hoạch vốn năm nay thấp hơn năm trước (hơn 10.900 tỷ đồng), song lãnh đạo Ban QLDA 6 vẫn không khỏi lo lắng khi sau khởi công, các dự án của đơn vị vẫn gặp các vướng mắc trong công tác GPMB, nhất là tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; Thiếu bãi trữ, bãi thải.
Điều chuyển ngay khối lượng của nhà thầu yếu kém
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2024, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 56.666 tỷ đồng, thấp hơn năm 2023 và tương đương với số vốn được giao năm 2022.
Mặc dù vậy, theo ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, để đảm bảo hiệu quả giải ngân, Vụ đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/ ban QLDA khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện.
Đồng thời, thực hiện cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, năm 2024 là năm bản lề để hoàn thành loạt dự án cao tốc vào năm 2025. Trên cơ sở đó, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư ngay từ đầu năm phải làm việc với các địa phương tháo gỡ triệt để khó khăn trong GPMB và thủ tục cấp mỏ vật liệu.
Nhận định công tác đền bù GPMB đã được cải thiện đáng kể so với các dự án trước đây, sau 1 năm thực hiện, hầu hết các dự án cao tốc đều được bàn giao trên 90% mặt bằng. Tuy nhiên, ông Minh cho biết, phần diện tích còn lại chưa được giải phóng đang tập trung chủ yếu ở một số khu vực phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và khu vực đất ở.
Giải quyết khó khăn này, các chủ đầu tư cần làm việc, đề nghị địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Riêng công tác triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu là đường điện cao thế liên quan đến nhiều bộ, ngành, Cục đã tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên thực hiện trước các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai thi công, nhất là các vị trí xây dựng cầu.
Cho rằng kết quả giải ngân phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường, theo ông Minh, cục sẽ đề nghị các chủ đầu tư thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu; thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", dự án đến giai đoạn cuối mới tìm nhà thầu thay thế.
Theo ông Phùng Tuấn Sơn, năm 2024, Ban QLDA Thăng Long sẽ duy trì cơ chế linh hoạt trong công tác giải ngân.
"Theo hợp đồng, 5% bảo hành và 1% quyết toán. Tuy nhiên, đảm bảo nguồn lực để nhà thầu thi công, tạo khối lượng giải ngân, Ban đã cho nhà thầu bảo lãnh 3% tiền bảo hành, chỉ giữ lại 2%. Có những gói thầu nhà thầu uy tín, nhà thầu sẽ được bảo lãnh toàn bộ.
Riêng công tác quyết toán, với một số dự án, Ban sẽ thực hiện khi khối lượng thực hiện đạt được 90% giá trị để nhà thầu có trách nhiệm làm quyết toán chứ không thu ở kỳ quyết toán đầu tiên", ông Sơn thông tin.
Giải ngân năm 2023 đạt gần 97%
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2023, trên kế hoạch vốn gần 95.200 tỷ đồng, ước giải ngân của Bộ GTVT là 92.186 tỷ đồng, đạt 96,8% kế hoạch.
Năm 2024, xét theo nhóm chủ đầu tư, số vốn được giao (hơn 56.600 tỷ đồng) tập trung chủ yếu vào các chủ đầu tư/ban QLDA do Bộ GTVT quản lý (54.629 tỷ đồng, chiếm 96%).
Xét theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, 2 chiếm phần lớn kế hoạch vốn được giao với 34.512 tỷ đồng, chiếm 60%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận