Hồ sơ tài liệu

Thực hư việc ông Putin liên quan cái chết của điệp viên Litvinenko

22/01/2016, 16:18

Văn phòng Tổng thống Nga lên tiếng bác bỏ kết quả điều tra cái chết của cựu điện viên Litvinenko mà Anh công bố.

diep-vien-Nga.
Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko không ít lần lên tiếng chỉ trích điện Kremlin. (Ảnh: BBC)

Theo đó, thẩm phán người Anh Robert Owen cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin có liên quan đến cái chết của ông Litvinenko. Song về phần mình, điện Kremlin cho rằng, kết quả này chắc chắn đã bị “chính trị hóa”, theo BBC.

“Có thể” và “có lẽ”…

Ông Owen – người chịu trách nhiệm điều tra vụ án khẳng định cựu điệp viên Cục An ninh Liên bang Nga (FBS) Alexander Litvinenko, 43 tuổi đã bị đầu độc trong khi uống trà tại một khách sạn ở London hồi tháng 11/2006. Chất phóng xa polonium-210 đã được bỏ vào tách trà.

Cụ thể, bản báo cáo điều tra hơn 300 trang do phía Anh công bố hôm qua (21/1) kết luận rằng, nghị sĩ Duma quốc gia Andrey Lugovoy và doanh nhân Dmitry Kovtun đã cố tình đầu độc Litvinenko, dưới sự “chấp thuận” của Tổng thống Putin.

Lập tức, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt lên tiếng bác bỏ kết quả điều tra cái chết của ông Litvinenko, cũng như việc đương kim Tổng thống Nga có liên quan tới vụ việc trên. Hãng TASS dẫn lời Dmitry Peskov – người phát ngôn của Tổng thống Nga: “Các cơ quan tình báo cung cấp dữ liệu cho điều tra vụ án này không được nêu tên, các kết luận đưa ra sử dụng quá nhiều từ “có thể”, “có lẽ”. Những thuật ngữ này không được phép trong thực tiễn tư pháp Nga, cũng như trong thực tiễn tòa án các nước. Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ phần nào của báo cáo điều tra này”.

Trong khi đó, BBC dẫn lời nghị sĩ Duma Quốc gia  Andrey Lugovoy cho rằng, ông cảm thấy có lỗi vì quá nhiều đồn thổi, giả thiết và tin đồn trong suốt 10 năm qua. “Tôi thấy những kết luận vô nghĩa và điên rồ của thẩm phán Anh. Và thực tế là những thuật ngữ “có thể” được sử dụng trong bản báo cáo – đồng nghĩa với việc họ chẳng có một bằng chứng cụ thể nào để cáo buộc chúng tôi”.

Cái chết bất thường của cựu điệp viên hai mang

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, sau vụ máy bay MH17 bị bắn hạ vài ngày, giới chức Anh tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra về cái chết bất thường của cựu điệp viên Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) Alexander Litvinenko.

Năm 1980, Litvinenko gia nhập KGB, 8 năm sau được phong hàm Trung tá. Sau khi rời Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Litvinenko bắt tay viết cuốn Blowing up Russia: Terror from within (tạm dịch: Nổ tung nước Nga: Khủng bố từ bên trong), cáo buộc nhân viên FSB đã dính líu đến vụ đánh bom khu tập thể Moscow và hai thành phố khác năm 1999. Các vụ đánh bom này đều đổ lỗi cho phiến quân ly khai Chechnya; nhưng theo cuốn sách trên, các vụ đánh bom này đều được sử dụng như một cái cớ để Nga đưa quân vào Chechnya. Năm 2000, Litvinenko đã xin tị nạn tại Anh, cuốn sách trên được phát hành sau khi Litvinenko đến Anh. Ngày 1/11/2006, Litvinenko uống trà cùng với hai đồng hương là Andrei Lougovoi và Dmitri Kovtoun tại một khách sạn ở London. Ba ngày sau Litvinenko phải nhập viện do trúng độc. Cảnh sát Anh đã yêu cầu bắt giữ Andrei Lougovoi - Đại tá, cựu điệp viên FSB hiện là nghị sĩ Duma quốc gia và Dmitri Kovtoun vì cáo buộc liên quan đến cái chết của Litvinenko, nhưng Moscow đã từ chối giao người. Cả Lougovoi và Kovtoun đều phủ nhận khả năng dính líu.

Một trong những nguyên nhân khiến ông Andrei Lougovoi nằm trong diện nghi vấn của cảnh sát Anh bởi ông này từng là đồng nghiệp của Litvinenko, ra mặt chỉ trích gay gắt Litvinenko khi cựu điệp viên này chạy sang Anh tị nạn. Theo điều tra của Anh, Lougovoi đã lén bỏ chất phóng xạ polonium-210 vào đồ uống của Litvinenko tại cuộc gặp kể trên. Ngoài ra, dấu vết còn được tìm thấy trên hai chiếc máy bay tại Sân bay Heathrow, tại Đại sứ quán Anh ở Moscow và một căn hộ ở Hamburg, Đức có liên quan đến Dmitri Kovtoun. Khoảng 700 người đã phải kiểm tra nhiễm độc phóng xạ nhưng không ai bị bệnh nghiêm trọng. 

Về phía gia đình, bà Marina Litvinenko - vợ Alexandre Litvinenko cho rằng, chồng mình đang làm việc cho cơ quan tình báo Anh (MI6), bị sát hại theo lệnh của Kremlin thì Chính phủ Anh phải có trách nhiệm làm sáng tỏ sự thật. 

Vụ việc liên quan tới cái chết của điệp viên Litvinenko là một trong những yếu tố đưa mối quan hệ Nga – Anh trở nên căng thẳng vài năm trở lại đây. Năm 2013, Anh tuyên bố hoãn điều tra do lo ngại ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga. Song mối quan hệ này lại rơi vào bế tắc từ khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.