Trong tháng 10, có 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, trong đó thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất |
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 đã tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước. Con số này cũng đẩy CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2017 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân khiến CPI tháng 10 tăng mạnh là do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở nhiều nơi tăng cao.
So với tháng trước, tháng 10 có 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng giá. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất ở mức 2,14%. Tiếp sau là giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; giáo dục tăng 0,19%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,01%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%.
Trong khi đó, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 10 giảm là do giá thịt lợn giảm 0,95%. Theo Tổng cục Thống kê, do tâm lý e ngại sau sự việc gần 4000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ nên người dân ít sử dụng thịt lợn. Ngoài ra, trong tháng 10, thời tiết mưa, bão dẫn đến nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện giảm 0,24%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,32% đến 1,88%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,44% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận