Đến thăm gia đình anh Quàng Việt Hùng và chị Cầm Thị Thúy, người dân tộc Thái, ở bản Hôm (xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, tỉnh Sơn La), chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh đáng thương của anh chị. Trong căn nhà cấp 4 thưng gỗ tuềnh toàng, mái lợp proximăng, thiếu thốn đủ bề, có lẽ đồ vật đáng giá nhất bộ bàn ghế uống nước.
Trên chiếc kệ sắt kê bên góc nhà sát tường, một đứa bé với thân hình tiều tụy, da bọc xương đang nằm bất động, chẳng nói chẳng rằng, miệng thở khọt khẹt. Cháu là Quàng Huỳnh Đức, bị tật nguyền suốt 14 năm nay. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được cắp sách đến trường thì Đức phải nằm co quắp trong nhà, thân hình nhỏ bé như đứa trẻ lên hai.
Lặng lẽ nhìn con, ánh mắt đượm buồn, anh Việt tâm sự: Năm 2005, anh vào Sài Gòn làm công nhân thuê cho một nhà máy may và gặp chị Cầm Thị Thúy (quê Thanh Hóa), rồi 2 người cảm mến nhau nên duyên vợ chồng. Một năm sau, vợ chồng vỡ òa hạnh phúc khi chị Thúy mang bầu.
Thế nhưng niềm vui chẳng được bao lâu khi đứa con sinh ra bị dị tật, đôi mắt nhắm tịt, người nhỏ xíu, chân tay cong queo, đặt đâu nằm đấy. Đến giờ đã 14 tuổi nhưng cháu Đức chỉ nặng 10 kg.
Khi 2 vợ chồng đưa cháu xuống Hà Nội khám, bác sỹ kết luận cháu bị mù bẩm sinh, liệt dây thần kinh mắt, não teo, chân tay không phát triển… nghe xong anh chị sững người, lòng quặn đau. “Bệnh cháu không chữa được, sẽ phải sống như thế mãi, giờ gia đình cũng không biết phải làm sao nữa đành chăm cháu vậy thôi”, anh Việt nói.
Ngồi bên cạnh đứa con đang rên la vì đau đớn, chị Thúy không kìm được lòng, nước mắt rơm rớm. “Cháu Đức là con đầu lòng trong 3 đứa con của vợ chồng tôi. Cháu bị dị tật bẩm sinh từ khi ra đời, cả ngày chỉ nằm một chỗ, ăn phải có người bón, vệ sinh cũng tại chỗ”, chị chia sẻ.
Ẵm con trên tay, chị Thúy bảo: Đã 14 năm rồi, ngày nào 2 vợ chồng cũng phải thay nhau ở nhà trông nom, nhiều đêm thức trắng. Nếu không có người thân bên cạnh, khi cháu phát bệnh nhìn sợ lắm, bụng trương phồng lên, mỏng dính như muốn vỡ ra. Cháu rên la vì đau đớn, rồi tự cào cấu, đấm vào mặt đến tím tái, trầy xước hết người, nhất là những lúc thay đổi thời tiết.
Anh Việt kể tiếp, suốt 14 năm nay, năm nào gia đình anh cũng đưa cháu đi khám tại Hà Nội, biết là không thể giúp gì được cho con nhưng mỗi lần thấy con đau vì căn bệnh quái ác hành hạ, thương không kìm được lòng, cố gắng đưa cháu đi khám. Mỗi lần ngược xuôi tốn kém lắm, hoàn cảnh gia đình đã nghèo lại thêm nghèo. Không có tiền phải chạy đây đó vay mượn của hàng xóm, người quen để đi đường, mua thuốc cho cháu.
“Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, cả nhà chỉ có đất vườn để sản xuất. Trồng ít mận, cà phê nhưng năm được năm mất vì thời tiết thất thường, năm nào may mắn lắm thì thu được khoảng 10 triệu đồng. Cháu Đức lại phải uống thuốc trợ não thường xuyên, không có thuốc cháu lại rên la vì đau đớn.
Để có tiền, hàng ngày tôi phải đi làm thuê, cuốc mướn, bốc vác… ai có việc gì gọi thì làm nấy, miễn sao kiếm được chút tiền thuốc cho con”, anh Việt chia sẻ.
Anh Việt bị bệnh thận nhiều năm nay, bác sỹ khuyến cáo không được làm việc nặng nhưng anh vẫn phải cố gắng, có những lúc làm nặng, bụng đau buốt vẫn cố nén cơn đau. Gia đình khó khăn lại nuôi con tật nguyền nên hai vợ chồng đều phải gắng gượng.
Bà Tòng Thị Bó, Bí thư xã Chiềng Cọ, TP Sơn La cho biết: Gia đình anh Việt và chị Thúy thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã. Nghèo vì thiếu đất sản xuất, có người ốm đau, người đàn ông lao động chính trong gia đình thì mắc chứng bệnh thận không làm được công việc nặng.
Thời gian qua, mặc dù xã đã rất quan tâm nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng có hạn. Mong sao có được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, hỗ trợ gia đình bớt đi phần nào khó khăn.
Mọi sự giúp đỡ của nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Anh Quàng Hùng Việt, bản Hôm, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, tỉnh Sơn La (ĐT: 0358167530) hoặc liên hệ bà Tòng Thị Bó, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, tỉnh Sơn La (ĐT: 0968063829).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận