Điện ảnh

Thưởng thức phim bằng... âm thanh

12/11/2020, 06:10

Không có hình ảnh, thay vào đó toàn bộ diễn biến câu chuyện chỉ được truyền đạt bằng âm thanh để khán giả có thể... tự tưởng tượng.

img
Khán giả sẽ thưởng thức phim bằng âm thanh, không có hình ảnh

Đó chính là điều mới lạ mà phim bằng âm thanh (podcast) mang lại cho khán giả.

Phim ca nhạc không có hình ảnh

Đã phát sóng được 3 tập, “Trời tính không bằng trời tính” - series phim ca nhạc nằm trong dự án “Nghe phim” đang được coi là một trải nghiệm phim mới mẻ với giới trẻ.

Ở đó, mỗi tập phim có thời lượng khoảng 25 phút, toàn bộ diễn biến câu chuyện chỉ được truyền đạt bằng âm thanh, để khán giả có thể tự tạo ra thế giới tưởng tượng phong phú của chính mình. Bộ phim nói về hành trình một nhóm nhạc nghiệp dư lên kế hoạch “săn” nhà sản xuất âm nhạc trẻ tuổi, với mong muốn được sử dụng beat nhạc miễn phí.

Có cách kể chuyện như một bộ phim thông thường nhưng không có hình ảnh nên toàn bộ sự đầu tư được dồn vào phần âm thanh. Bên cạnh lời thoại của diễn viên, từng tiếng động to nhỏ trong các không gian ngoài trời hay trong phòng, như tiếng xe cộ, tiếng đồng hồ, âm thanh trong hội trường… đều được xử lý kỹ càng để khán giả dễ hình dung bối cảnh và không gian câu chuyện đang diễn ra.

Cũng vì chỉ có âm thanh, tiếng động nên người nghe không cần băn khoăn về khả năng diễn xuất của diễn viên. Đây là lợi thế, nhưng cũng là thách thức dành cho những thành viên trong ê-kíp sản xuất đều là người trẻ và không phải những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nhà sản xuất của dự án, ban đầu anh nghĩ nếu không cần diễn xuất hình thể, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng khi bắt làm mới hiểu có quá nhiều giới hạn để khán giả hiểu được không gian và cảm xúc của nhân vật. Dự án lại không có người dẫn truyện, nên áp lực quay ngược lại biên kịch và khâu hậu kỳ âm thanh.

“Làm cách nào mỗi khi chuyển cảnh, người nghe sẽ lập tức nhận ra nhân vật đang ở vị trí nào. Các diễn viên buộc phải thể hiện rất rõ từng sắc thái cảm xúc, vì tất cả hỉ nộ ái ố khán giả chỉ cảm nhận được qua giọng nói”, anh tâm sự.

Trên thực tế, “Nghe phim” khá giống dạng kịch truyền thanh từng quen thuộc với khán giả Việt trên radio nhiều năm trước. Tuy nhiên, ê-kíp đã phát triển hình thức này lên một mức chất lượng cao hơn.

Tất cả âm thanh, tiếng động đều được xử lý tỉ mỉ và đặc biệt có phần âm nhạc. Vì là phim ca nhạc nên nhiều ca khúc mới toanh được sáng tác cho riêng bộ phim này. Các diễn viên trong phim là những bạn trẻ không chuyên về diễn xuất hay làm phim nhưng đều có khả năng vừa thoại lồng tiếng, vừa ca hát. Họ phải nỗ lực cao độ trong từng phân đoạn để làm tốt nhất có thể.

Cuộc cách mạng thay đổi thói quen giải trí của giới trẻ?

img
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cùng các bạn trẻ làm dự án Nghe phim

Hình thức giải trí bằng âm thanh đang trở thành “làn sóng” được ưa chuộng ở một số quốc gia phát triển. Theo Billboard, năm 2018, Wondery - công ty về podcast (thuật ngữ chỉ series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe) đã gọi vốn được 5 triệu USD.

Chỉ sau 4 năm thành lập, đơn vị này đã phục vụ 8 triệu lượt thính giả và sở hữu hàng chục chương trình có thể chuyển thể thành phim truyền hình. Đáng chú ý, Apple và Sony hiện đang tranh giành đấu thầu mua lại studio này và ước tính con số có thể lên tới 400 triệu USD.

Năm 2019, Spotify cũng đã bỏ ra 56 triệu USD để mua lại Parcast - một trong những studio sản xuất podcast từng “làm mưa làm gió” bảng xếp hạng Apple Podcast.

Dù đang là một thị trường tiềm năng ở quốc tế nhưng tại Việt Nam, thị trường podcast gần như bị bỏ ngỏ và “Nghe phim” được coi là dự án “đặt gạch” cho lĩnh vực này ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết, anh đã nhen nhóm ước mơ thực hiện một bộ phim âm nhạc từ khi thực hiện phần âm nhạc cho các dự án điện ảnh của Việt Nam. Tuy nhiên, khi những sản phẩm sử dụng âm thanh làm chủ đạo phát triển mạnh tại các nước phát triển thì khán giả Việt dường như bỏ quên loại hình thưởng thức này. Do đó, anh trăn trở về một cuộc cách mạng thay đổi thói quen giải trí của giới trẻ.

Vì mới mẻ nên ê-kíp phải đương đầu với nhiều khó khăn. Ngoài công đoạn tìm kiếm những chất giọng cho dự án, việc lắng nghe ngôn ngữ của các bạn trẻ là một khó khăn với nhạc sĩ của “Dòng thời gian”. Ê-kíp sản xuất có những buổi tranh luận thâu đêm để tìm cách dung hòa những ý kiến của nhau.

Trong khi đó, Tuấn Khải, đồng biên kịch của dự án tâm sự, điểm gây khó cho anh chính là phải lược bỏ phần lớn các yếu tố về “hành động nhìn thấy được”, tìm cách làm sao để âm thanh phải kể được chuyện.

“Cái khó nhất không phải là câu chuyện kĩ thuật hay kĩ năng thu âm, biên tập… mà là làm sao để mọi người có chung tầm nhìn khi trong đội kĩ thuật, diễn viên chưa ai từng làm phim truyền hình hay điện ảnh”, Tuấn Khải thổ lộ.

Anh cũng cho hay, việc tìm ra thứ ngôn ngữ khi biên tập và dàn dựng cho “Nghe phim” không dễ. Bởi hiện nay ở Việt Nam, mô hình này chưa có ai làm để ê-kíp học hỏi. Do đó, cả đội vừa làm vừa sửa, tự dò dẫm từng bước một. Thành phẩm mong muốn của đội ngũ sản xuất phải khác với sách nói, khác kịch truyền thanh nhưng vẫn phải chấp nhận là chưa thể bì được với phim điện ảnh thực thụ.

Vì là phim bằng âm thanh nên dự án “Nghe phim” có những thuận lợi khi ngoài YouTube, còn có thể được phát trên những ứng dụng về nghe như: Voiz FM, Spotify và Apple Music. Dù vậy, có lẽ vì hình thức này quá mới nên hiện tại, 3 tập phát sóng trên YouTube của phim có số lượt nghe khá khiêm tốn, không đạt “triệu view” như các sản phẩm giải trí khác. Nói về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết, anh gọi đây là sự liều lĩnh của bản thân và cú “chơi ngông” này được sự ủng hộ của những người trẻ.

“Chúng tôi có thể thất bại, có thể sẽ không đi đến cái đích mình mong muốn. Nhưng chí ít, chúng tôi là những người đầu tiên đặt viên gạch cho loại hình giải trí mới mẻ này tại Việt Nam”, anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.