Mới đây, UBND TP.Hạ Long có văn bản thông báo về việc từ chối cấp phép, rời cảng, bến đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với tàu du lịch Hùng Long 66 QN-6096 từ ngày 15/7. UBND thành phố Hạ Long cũng giao cơ quan công an địa phương chủ trì, điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm vi phạm; Đồng thời yêu cầu chủ tàu, thuyền viên có hành vi trên hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.
Nguyên nhân xuất phát từ việc một đoàn khách du lịch phản ánh việc thuyền viên của tàu này sử dụng camera điện thoại để ghi hình lén khách tắm tráng trong nhà vệ sinh trên tàu.
Liên quan đến nghề thuyền viên tàu du lịch và phương tiện thủy, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thuyền viên là người được giao đảm nhận chức danh: thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thuỷ thủ, thợ máy. Người được giao chức danh trên phải qua đào tạo và được cơ quan quản lý cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
Ngoài ra, chủ phương tiện được bố trí thêm các chức danh khác như: y tá, điện báo viên, thợ lặn, thợ cuốc, thợ hút, thợ kích kéo, nhân viên trên tàu.
Nội dung Thông tư số 47/2015 của Bộ GTVT (quy định phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy) nêu rõ: thuyền viên, người lái phương tiện thủy có trách nhiệm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Chấp hành kỷ luật lao động, thực hiện đầy đủ phạm vi trách nhiệm theo chức danh trong khi làm việc.
Thuyền trưởng có trách nhiệm phân công công việc, trực tiếp phụ trách một ca làm việc, trực tiếp điều khiển phương tiện qua những khu vực nguy hiểm; ngoài giờ đi ca, nếu thuyền phó hoặc máy trưởng đề nghị, thuyền trưởng phải có mặt ở vị trí chỉ huy để kịp thời giải quyết công việc.
“Thuyền trưởng có quyền buộc thuyền viên rời khỏi phương tiện nếu có những hành vi không chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng hoặc vi phạm nội quy, quy định khi làm việc”, nội dung thông tư nêu rõ.
Về số lượng thuyền viên trên tàu, quy định hiện hành yêu cầu chủ phương tiện bố trí tối thiếu số lượng thuyền viên tùy theo công suất, sức chở (khách, hàng hóa) của phương tiện. Chẳng hạn, phương tiện chở khách, phương tiện lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện cánh ngầm, phương tiện cao tốc có sức chở trên 100 người phải bố trí tối thiểu 7 thuyền viên trong mỗi ca làm việc, trong đó phải có đủ thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận