Bệnh nhân điều trị viêm tụy cấp do uống rượu
Theo cảnh báo của các bác sĩ, việc lạm dụng bia, rượu trong các buổi tiệc cuối năm sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc với nhiều ca viêm tụy cấp, xuất huyết dạ dày, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, thậm chí cả tử vong vì ngộ độc rượu.
Nhập viện vì nôn ra máu
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Phí Thị Quang, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Medlatec cho biết, cách đây không lâu, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân sinh năm 1989, quê Nam Định nhập viện với lý do nôn ra máu. Qua khám lâm sàng, bệnh nhân da sạm, nhợt, bụng cổ chướng, phù nhẹ chi dưới…
Bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều năm, mỗi ngày uống khoảng 300 - 500ml rượu có nồng độ cồn khoảng 40 độ. Sau đó, bệnh nhân đã được cấp cứu truyền máu, đồng thời thắt tĩnh mạch thực quản, điều trị xơ gan, sau khoảng 15 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định và được ra viện.
Nặng nề hơn là trường hợp bệnh nhân sinh năm 1964, quê Quảng Ninh có tiền sử uống rượu nhiều năm, được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh) do đau quặn bụng tại nhà đã hai ngày, ăn uống, đi lại khó khăn.
Sau hai giờ sau nhập viện, người bệnh đột ngột bị sốc với các dấu hiệu mệt nhiều, đau bụng, thở nhanh nông, nổi vân tím toàn thân, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt thấp. Ngay lập tức, người bệnh được hội chẩn liên chuyên khoa tiêu hóa và hồi sức, xác định tình trạng sốc nhiễm khuẩn trên nền người bệnh viêm tụy cấp, có biến chứng suy đa tạng.
BS. Quang cho biết, tình trạng như trên không hiếm gặp, nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30 - 40 tuổi vào viện vì lý do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản/xơ gan do rượu hoặc viêm tụy cấp vì rượu. “Việc người dân sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày hiện nay khá phổ biến, đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về thì tình trạng này ngày càng gia tăng”, BS. Quang cho biết.
Theo GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, những năm gần đây, tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu, bia, mỡ máu đang tăng lên một cách đáng báo động, chiếm tới 70% số ca nhập viện. Trong đó, ghi nhận nhiều ca viêm tụy cấp hoại tử, gây suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.
Hệ lụy của lạm dụng rượu
BS. Phí Thị Quang cho hay, theo nhiều nghiên cứu, chất cồn khi vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Nếu lạm dụng rượu, bia (chất cồn quá mức) có nguy cơ gây ra bệnh lý nguy hiểm.
Hiện nay, quy định lượng ethanol tối đa có thể uống trong một ngày, với nam là 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39,9%. Với nữ là 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39,9%. Tuy nhiên, cần biết, hầu hết các trường hợp uống rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu, bia nào an toàn.
BS. Phí Thị Quang, Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Medlatec
Ví như bệnh viêm gan, trước hết, uống rượu, bia nhiều có thể khiến gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng đến chức năng gan, nguy hiểm hơn có một số tỷ lệ người nghiện rượu bị xơ gan và ung thư gan.
Khi uống rượu, bia có nồng độ cồn cao hoặc uống rượu có chứa cồn công nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến niêm mạc vùng hầu họng thực quản và dạ dày. Do đó, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏng niêm mạc, rượu kích thích các niêm mạc dạ dày khiến dạ dày bị kích thích và tiết ra nhiều acid gây ra tình trạng viêm loét dạ dày hành tá tràng.
BS. Quang cho biết thêm, những cuộc chè chén say sưa cũng có khả năng làm tăng huyết áp và là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Uống rượu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, do vậy càng làm tăng huyết áp.
Những người uống rượu, bia thường có lối sống không lành mạnh, dễ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, việc lạm dụng rượu còn ảnh hưởng đến não, thần kinh; Tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy. Một người có thể bị viêm tụy cấp sau bữa uống rượu hay viêm tụy mạn, tức là tụy bị phá hủy dần hoặc viêm nhiều đợt dẫn đến đái tháo đường và cuối cùng là tử vong.
“Mỗi khi Tết đến xuân về, các buổi liên hoan sẽ diễn ra nhiều hơn, tần suất sử dụng bia, rượu cũng tăng, điều này tỷ lệ thuận với việc sẽ tăng các bệnh lý như: Viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm tụy, viêm gan - xơ gan do rượu tiến triển, tăng huyết áp, đột quỵ...”, BS. Quang cảnh báo.
Theo BS. Quang, để tránh ngộ độc rượu và tác hại của rượu, bia, tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Nếu phải uống rượu, bia thì uống đúng lúc, uống sau khi làm việc, khi nghỉ ngơi và không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận