Tài chính

Tiền nhiều cũng không chia cổ tức: Ngân hàng nói gì?

29/04/2022, 19:30

Nhiều năm không được nhận cổ tức khiến cổ đông nhất là cổ đông nhỏ của nhiều ngân hàng rất tâm tư.

Đừng mơ cổ tức

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) đã đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Năm nay, Saigonbank quyết định không chia cổ tức.

Năm ngoái, Saigonbank có kế hoạch chia cổ tức 5% cho cổ đông bằng tiền mặt. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hoãn lại do ngân hàng muốn tăng cường khả năng chống chịu trước đại dịch Covid-19.

img

Saigonbank không chia cổ tức. Ảnh minh hoạ

Đến hết quý I năm nay, dù báo lãi trước thuế gần 99 tỷ đồng, tăng 68% nhưng một số chỉ tiêu tài chính của ngân hàng không khả quan: Tổng tài sản giảm 5% so với đầu năm; Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1%; Nợ xấu tăng 22% so với đầu năm đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay từ 1,97% đầu năm lên 2,39%.

ĐHĐCĐ TPBank năm nay đã thông tin về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông và chương trình cho người lao động (ESOP) với tổng tỷ lệ 34% để tăng vốn điều lệ. Bằng kế hoạch phát hành hơn 532 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt trên 21.142 tỷ đồng, chạm gần tới mức 1 tỉ USD quy đổi.

Trước đó, năm 2021 lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 38% lên 6.038 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và trích các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối còn hơn 4.099 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nhiều năm không chia cổ tức. Lần gần nhất Eximbank chia cổ tức là hồi năm 2012 với tỷ lệ 4%.

Nguyên do khiến cổ đông ngân hàng chịu thiệt thòi là vì Eximbank phải xử lý trái phiếu VAMC, kết quả kinh doanh nhiều năm không như mong đợi, nội bộ lục đục không tổ chức được đại hội cổ đông.

Năm 2022, đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng này cũng không thành.

Khác với hai ngân hàng trên, có kết quả kinh doanh được các cổ đông miêu tả là “đẹp như mơ” hơn hẳn các ngân hàng nói trên bởi đến cuối năm ngoái, sau khi trích lập xong các quỹ, nguồn lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Con số này gấp 10 lần lợi nhuận chưa phân phối của TPBank.

Mặc dù vậy, tại đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa qua, Hội đồng quản trị Techcombank vẫn tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức năm 2021, toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Các cổ đông ngân hàng này đã thống kê, trong 11 năm qua, chỉ có năm 2018 là lần duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Đây cũng là năm trước khi Techcombank chính thức niêm yết. Sau đó, ngân hàng này quay lại “bài cũ” là không chia cổ tức.

Nhiều cổ đông của ngân hàng này không hài lòng khi cho rằng với lợi nhuận chưa phân phối lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, Techcombank không chia cổ tức bằng tiền thì cũng nên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn cũng là nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng trong tương lai.

Thậm chí có cổ đông còn so sánh với VPBank khi ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 80% năm 2021 và năm nay ngân hàng tiếp tục tăng vốn qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 50% đợt 1 và đợt 2 phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

img

Techcombank nhiều năm liền không chia cổ tức. Ảnh minh hoạ

Ngân hàng nói gì?

Trước ý kiến của các cổ đông, tại đại hội cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank lý giải chia hay không chia cổ tức phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngân hàng. Ông Hùng Anh cũng cho hay, nếu thấy cần thiết, Hội đồng quản trị Techcombank sẽ tính đến các phương án, kể cả chia cổ tức tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này lại cho rằng: "Hiện chỉ số ROE (tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) ở mức 20%. Tôi cũng là một cổ đông như các anh chị, lợi nhuận hơn 20%, đó là lợi nhuận rất tốt. Tôi không biết anh chị đầu tư gì ngoài có gì lợi nhuận hơn 20% không thì tôi không rõ. Chúng tôi đi theo quan điểm hơi bảo thủ nhưng rõ ràng và minh bạch. Tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông. Quan trọng là phát triển bền vững. Cổ phiếu không lên được nhưng giá cổ phiếu có sức bền tốt. Cả thị trường hiểu đó là giá trị thật".

Ông Hùng Anh còn cho rằng: “Năm 2018, khi chia cổ tức, cổ phiếu giảm tương ứng, cổ đông còn phải chịu 5% thuế thu nhập khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Cá nhân tôi chưa nhìn thấy có lợi gì cho ngân hàng và cổ đông".

Dù vậy, một số cổ đông vẫn cho rằng trong vòng 1 năm qua, kể từ tháng 4/2020, thị giá cổ phiếu TCB của Techcombank chỉ tăng khoảng 6,5%.

Khác với Techcombank, Saigonbank không có dữ liệu tài chính “đẹp” như vậy. Quý IV/2020 ngân hàng này lỗ hợp nhất trước thuế hơn 40 tỷ đồng (giảm so với con số lỗ 56 tỷ đồng của cùng kỳ 2020).

Trong quý IV/2020 Saigonbank đã phải bán hơn 8,26 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), tương đương 2,25% vốn Viet Capital Bank.

Lũy kế cả năm 2021, ngân hàng lãi trước thuế 154 tỷ đồng nhưng nhiều chỉ tiêu không được khả quan. Trong đó đáng chú ý nhất là nợ xấu nội bảng tăng gần 46% lên 325 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,44% lên 1,97%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.