Chiều nào cũng thế, trước bữa cơm chiều, người đàn ông chạc sáu mươi tuổi, trong bộ quần áo bảo hộ màu vàng lại mang tiếng rao qua đường phố lớn, vào từng ngách phố nhỏ. Không ngồi lên xe để đạp đi chậm rãi, ông nhẩn nha dắt bộ trên đường. Chiếc xe đạp cũ, gương mặt nhiều nếp nhăn nhưng những mớ rau trong chiếc thau trắng buộc đằng sau hay xếp gọn vào giỏ xe đằng trước, mớ nào cũng xanh non. “Các cô cứ yên tâm mà ăn, rau bà lão nhà tôi trồng không bao giờ có chất kích thích, thuốc trừ sâu. Rau ngon, an toàn, bà ấy dặn không được bán đắt hơn giá ngoài chợ!”.
Rau ngon và an toàn thật nên thành lệ, những người phụ nữ phố tôi ngày nào cũng chờ đợi những tiếng gọi mời đều đặn “ai mua rau đây!”. Lẫn vào những tiếng rao suốt từ sáng sớm đến tối khuya, tôi nhận ra sự đặc biệt của tiếng gọi ấy.
Mỗi ngày, tôi thường bị đánh thức bởi tiếng gọi ậm ọe, rè rè “qua loa” mười người như một “ai bánh mì bánh rán, bánh chưng đơi”…
Cuộc sống phát triển, các phương tiện hiện đại, thuận tiện hơn, người bán hàng rong đỡ vất vả khi sử dụng tiếng rao có sẵn, chỉ việc bật máy lên, âm thanh tùy chỉnh lớn nhỏ, vang khắp đường to ngõ bé, từ sớm sang chiều, không mỏi mệt. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu điều gì đó…
Nghe tiếng rao chậm rãi dọc con phố nhỏ, tôi cảm giác đó là tiếng rao của người có văn hóa. Tiếng rao từ xa lại gần, chậm rãi, đủ để người nội trợ đang dở tay trong bếp chạy ra vẫn còn mua kịp được mớ rau chủ vườn vừa hái. Cái cách người bán đưa rau, từng mớ rau nhỏ xanh mát tới tay người mua, cách nhận và trả lại tiền thừa cho khách cũng thật cẩn trọng, nâng niu. Tôi lại nhớ tới những mớ rau dập nát quăng quật trong mùa rớt giá, những mớ tiền lẻ không cần vuốt lại để mua bán thứ “rẻ như rau” giữa chợ…
Trong ý nghĩ có phần cổ hủ của tôi, đàn ông thường làm việc lớn, những việc chợ búa mua bán là của đàn bà. Thành ra nhìn những người đàn ông đứng tuổi đi chợ bán hàng, nhất là các món hàng lặt vặt rau cỏ, tôi lại thấy chút bận lòng. Tôi cũng cảm nhận ít nhiều nỗi ngượng ngùng ở họ khi đứng cùng chị em giữa chợ để cò kè từng đồng lẻ. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy ở người bán rau này nỗi mặc cảm ấy. Tò mò, có lần tôi bắt chuyện: “Sao chú không để cô mang rau đi chợ bán?”. “Ấy, chịu khó đi bán rong thế này, tiện cả cho các cô, mà lại bõ công bà nhà tôi chăm bón. Thêm được đồng nào tốt đồng ấy cô ơi!”. Nhẩn nha, ông bộc bạch: “Tôi có ít lương hưu, tằn tiện hai ông bà cũng đủ, nhưng bà ấy cứ thích trồng rau bán để được “độc lập tài chính” đấy. Bà ấy vất vả cả ngày chăm bón tưới tắm rồi, tôi hỗ trợ đi “giao hàng” tới tận tay quý khách. Thôi thì cuộc sống của mình còn khó khăn, phải động viên nhau mà sống cho vui vẻ”.
Vọng nghe tiếng rao xa dần, tôi bỗng thấy vui vui. Hạnh phúc trên đời đơn giản làm sao. Cần gì nhiều nhặn đâu, khi người bên cạnh ta sẵn sàng sẻ chia, đồng cam cộng khổ.
Và tiếng rao mỗi chiều vẫn vang vang trên từng con phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận