Bốn huấn luyện viên trong chương trình “Tiếu lâm tứ trụ”. |
Giữa trùng vây những chương trình hài nhảm, việc có một gameshow hài kịch “sạch” sẽ góp phần xây dựng văn hóa nghệ thuật - giải trí tốt hơn.
3 năm để dựng một format hài “sạch”
Gameshow Tiếu lâm tứ trụ được nghệ sĩ Minh Nhí ấp ủ xây dựng trong 3 năm, lấy cảm hứng từ câu chuyện mang yếu tố kiếm hiệp kỳ ảo trong một không gian và thời gian không xác định. Bốn “cao thủ” đại diện cho bốn trường phái hài khác nhau gồm: Thánh hài Hoạt hình Minh Nhí, Thánh hài Tỉnh queo Hồng Vân, Thánh hài Trào phúng Thanh Thủy, Thánh hài Tạp kỹ Đức Hải. Họ cùng tranh tài để tuyển lựa những học trò chất lượng, mang lại làn gió mới cho làng hài.
Đã đi đến tập 4, Tiếu lâm tứ trụ thu hút nhờ những tình huống hài dí dỏm, các vở diễn phong phú và ý nghĩa. Đặc biệt, không đi theo lối hài nhảm đang “trùm mền” nhiều gameshow hiện nay. Khi chương trình ra mắt, nghệ sĩ Minh Nhí đã bày tỏ, anh muốn làm một chương trình hài nghệ thuật, không chỉ mang lại tiếng cười cho khán giả mà còn mang đến những thông điệp ý nghĩa, những câu chuyện nhân văn và bài học nhận thức. Bởi lẽ, hài nhảm và hài xàm hiện nay đang khá nhiều. Anh cũng đã góp ý thẳng thừng trên nhiều chương trình phát sóng, thế nhưng đều bị cắt xén, không được phát đi.
Thực tế, không phải đến Tiếu lâm tứ trụ, đã có những chương trình hài bắt đầu được đầu tư công phu và trau chuốt nội dung như: Cười xuyên Việt; Làng hài mở hội. Trong đó, những phiên bản của Cười xuyên Việt là Cười xuyên Việt - tiếu lâm hội và Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ luôn được truyền thông, khán giả quan tâm và bàn luận. Không phải nhờ những ngôi sao hài, chính các thí sinh diễn xuất trau chuốt, tiết mục nghệ thuật, dàn dựng chất lượng đã khiến công chúng yêu mến.
Nghệ sĩ Đức Hải cho biết, anh đồng ý tham gia Tiếu lâm tứ trụ ngay khi nghệ sĩ Minh Nhí ngỏ lời, đưa ra tiêu chí. “Nếu đi chấm thi một chương trình rất đơn giản, tôi hoàn toàn có thể quần áo bóng bẩy đến, chấm điểm và nói vài câu vui vẻ rồi mang tiền về. Nhưng trong Tiếu lâm tứ trụ, chúng tôi phải giúp đỡ, hướng dẫn các thí sinh của mình tập luyện, thi đấu với các đội khác. Điều đó mất thời gian, sức khỏe, chất xám. Nhưng chúng tôi vẫn muốn làm vì tôi nghĩ đó là bổn phận và nghĩa vụ của những người nghệ sĩ chân chính”, anh chia sẻ.
Cánh én nhỏ có làm nên mùa xuân?
Giữa trùng vây các gameshow hài hoặc có yếu tố hài nối tiếp nhau lên sóng như: Ơn giời, cậu đây rồi; Kỳ tài thách đấu; Siêu bất ngờ; Thách thức danh hài; Đấu trường tiếu lâm; Bí mật đêm chủ nhật; Hội ngộ danh hài; Người bí ẩn… thì những chương trình hài “sạch” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, khi Tiếu lâm tứ trụ ra mắt với phương châm: Nói không với hài nhảm, không ít ý kiến bày tỏ những lo ngại chương trình sẽ khó thắng nổi các gameshow hài khác đang tràn lan hiện nay, bởi “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”.
Nghệ sĩ Đức Hải cho biết, anh và các nghệ sĩ: Minh Nhí, Hồng Vân, Thanh Thủy chỉ là những cá nhân phất cờ để mọi người thấy những điều đúng, điều tích cực và đi theo, chứ việc để chiến đấu được với những hài nhảm, hài xàm là việc khó và cần thời gian lâu dài. Bởi xét cho cùng, công chúng mới là người có quyền quyết định việc sinh, tử của những loại hình nghệ thuật hài. Nghệ sĩ chỉ là những người phục vụ công chúng, đáp ứng những nhu cầu mà khán giả mong muốn, để có công ăn việc làm kiếm sinh nhai. Và bản chất của nghệ sĩ là luôn muốn mang những cái đẹp, chuẩn mực, mang tính chân thiện mỹ hướng tới cộng đồng.
“Đây là vấn đề chung của cộng đồng chứ không riêng những người làm hài. Số đông cần giải trí thì nghệ sĩ cũng làm như vậy thôi, đó là chuyện bình thường nên đừng gay gắt. Nhưng chúng ta nên thay đổi, suy nghĩ thận trọng khi làm việc và hướng tới tính nhân văn, tích cực hơn, xuất phát từ cái tâm của những người nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà đài, cao hơn nữa là các cấp quản lý. Nhưng vấn đề là ai sẽ đồng hành cùng chúng tôi?”, NSƯT Đức Hải bộc bạch.
Thay vì phát ngán với những màn giả gái ưỡn ẹo, đỏng đảnh và có phần vô duyên trong các gameshow giải trí hiện nay, trong Tiếu lâm tứ trụ, các thí sinh hạn chế tối đa việc giả gái. Không chỉ vậy, trong từng tiểu phẩm, với diễn xuất và ngôn từ chau chuốt, khán giả đều tìm thấy những ý nghĩa nhân văn và giáo dục trong mỗi tiếng cười hay giọt nước mắt. Đó là tình anh em luôn bên nhau động viên, an ủi trong tiểu phẩm Anh Hai; Là sự đả kích việc sống ảo của một bộ phận thanh, thiếu niên, kêu gọi những cái “like” trên facebook để hành động thiếu suy nghĩ trong tiểu phẩm Vô cảm; Là tình nghĩa đồng loại hoạn nạn có nhau trong tiểu phẩm Tình người… Ngay trong tập đầu tiên chương trình lên sóng (ngày 2/11), Tiếu lâm tứ trụ đã đạt mốc rating cao nhất trong khung giờ vàng tại TP HCM với 25,98%. Đây là tín hiệu đáng mừng với các chương trình được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận