Báo cáo từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho thấy tiêu thụ điện tuần 2 của tháng 1 (8-14/1) đang tăng cao với sản lượng điện quốc gia trung bình tuần. Trong đó, miền Bắc là 357,3 triệu kWh, miền Nam là 353,3 triệu kWh, miền Trung là 69,1 triệu kWh.
Tính từ đầu tháng 1 đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 9,6%, miền Nam 15,5%, miền Trung 6,3%).
Trong kế hoạch cung ứng điện năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã lên 2 kịch bản dự báo phụ tải. Với kịch bản dự báo phụ tải cao, miền Bắc có thể thiếu từ 1.200-2.500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.
Giữ mực nước hồ tối đa ở hồ thủy điện miền Bắc
Phụ tải điện tăng nhưng các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm xấp xỉ 55-91% (ngoại trừ hai hồ là Thác Bà, Bản Vẽ).
Ở miền Trung cũng có một số hồ thủy điện có lượng nước về kém như: Vĩnh Sơn B, Kanak, Nam Kong 3, Sông Ba Hạ, Đắk R'Tih, Sông Côn 2A (đạt khoảng 39-76% trung bình nhiều năm). Còn các hồ thủy điện phía Nam có hồ thủy điện Đại Ninh, Thác Mơ chỉ đạt 60-90% trung bình nhiều năm.
Trước diễn biến này, tuần qua, miền Bắc thực hiện điều hành linh hoạt các hồ thủy điện để giữ mực nước hồ tối đa và huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện khả dụng, bao gồm cả hai tổ máy Thái Bình 2. Đến thời điểm hiện tại, miền Bắc chỉ còn 1 tổ S3 Formosa Hà Tĩnh đang dự phòng do quá tải cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan – Nghi Sơn 2 – Hà Tĩnh.
Ngoài ra, điện từ miền Trung cũng được truyền tải ra miền Bắc bằng đường dây 500kV Nho Quan- Nghi Sơn 2 thông qua việc huy động các tổ máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Vũng Áng 1 có sản lượng truyền tải trung bình là 9,1 triệu kWh/ngày, cao nhất đạt 11,9 triệu kWh/ngày.
Ở miền Trung và Nam, các nhà máy BOT (Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Phú Mỹ 3) tiếp tục được huy động cao để đảm bảo yêu cầu bao tiêu; huy động tối đa các thủy điện đang xả và các nguồn năng lượng tái tạo…
Sản lượng nhiệt điện huy động tuần qua trung bình khoảng 429,6 triệu kWh/ngày; tuabin khí khoảng 62,6 triệu kWh; điện gió, điện mặt trời là 126,8 triệu kWh.
Ưu tiên nhiệt điện cho miền Bắc
Về kế hoạch cung ứng điện trong thời gian tới, Cục Điều tiết cho biết các nhà máy thủy điện tiếp tục được vận hành theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu nhằm đáp ứng giữ mực nước tối đa cho hồ thủy điện và yêu cầu cấp nước hạ du.
Cụ thể, miền Bắc sẽ tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện có mức nước thấp, duy trì mực nước các hồ còn lại ở mức cao và vận hành linh hoạt theo nước về.
Miền Trung và miền Nam sẽ huy động tối đa các thủy điện đang xả nước, các nhà máy còn lại khai thác tối ưu theo tình hình thủy văn và nhu cầu điện.
Các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục ưu tiên huy động ở miền Bắc bù đắp cho thủy điện, còn miền Trung và miền Nam theo nhu cầu hệ thống. Tuabin khí và điện gió, điện mặt trời cũng được huy động theo nhu cầu thực tế.
Hiện nay, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đang thực hiện chuẩn bị cho phương thức vận hành điện Tết Nguyên Đán 2024.
Đã có 24 dự án điện tái tạo chuyển tiếp nối lưới
Hiện nay, 62/85 dự án điện gió, mặt trời (điện tái tạo) chuyển tiếp với tổng công suất gần 3.400 MW đã được Bộ Công thương phê duyệt giá điện tạm. Trong đó 62 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện - PPA; 9 dự án (công suất gần 400 MW) đang thực hiện các thử nghiệm; 34 dự án (công suất hơn 1.900 MW) đã hoàn thành các thử nghiệm (AGC, P/Q, tin cậy); 24 dự án đã đưa vào vận hành (công suất hơn 1.300 MW).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận