Văn hóa - Giải Trí

Tìm bước đột phá cho công nghiệp văn hóa Việt Nam

27/10/2016, 20:25
image

Năm 2015, ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu tạo ra 2.250 tỷ USD, chiếm 3% GDP thế giới.

Canh trong phim cha va con cua Phan Dang Di duoc d
Cảnh trong phim “Cha và con và...” của Phan Đăng Di được dư luận đánh giá cao

Năm 2015, ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu tạo ra 2.250 tỷ USD, chiếm 3% GDP thế giới. Câu hỏi đặt ra, Việt Nam cần phải bắt nhịp cũng như chuyển đổi phương thức phát triển công nghiệp văn hóa như thế nào để phát huy tiềm năng của chính mình?

Văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP

Các ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế hiện đại. Tốc độ tăng trưởng của các ngành này cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn nền kinh tế quốc dân, góp phần đáng kể trong việc tạo việc làm. Bà Youma Fall, Vụ trưởng Vụ Tiếng Pháp, Văn hóa và đa dạng của tổ chức Quốc tế Pháp ngữ cho biết, mỗi đất nước cần phải tạo ra những biểu đạt văn hóa của mình để tiếp xúc với thế giới. Coi văn hóa như một ngành kinh tế và coi người dân là khách hàng tiêu thụ sản phẩm văn hóa. “Năm 2015, ngành công nghiệp văn hóa tạo ra doanh số 2.250 tỷ USD và chiếm 3% GDP thế giới, tạo ra 29,5 triệu việc làm. Trong khi đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở châu Âu, Nhật Bản, Mỹ mới chỉ tạo ra được 25 triệu việc làm”, bà Youma Fall nói.

Còn ông Eric Normand Thibeault, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Pháp ngữ cho biết: “Tại Pháp, năm 2015 các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã tạo ra doanh số trên 74 tỷ euro. Năm 2017, sẽ tạo ra 1,4 triệu việc làm, chiếm 5% tổng số việc làm tại Pháp”. Được biết, trong 9 thị trường văn hóa và sáng tạo của không gian Pháp ngữ thì lĩnh vực nghệ thuật đồ họa và tạo hình tạo ra nhiều việc làm và có doanh số cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Tiếp đó, là các loại hình: Nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, truyền hình, radio, game video, sách, báo chí, báo và tạp chí.

Thực tế cho thấy, phát triển công nghiệp có tác động rất lớn đối với kinh tế, văn hóa và xã hội của một đất nước. Trên phạm vi quốc gia, sự phát triển công nghiệp văn hóa có khả năng đóng góp to lớn cho các chỉ tiêu thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm.

Coi văn hóa như một ngành kinh tế

Năm 2014, sau khi tổng kết việc Xây dựng và phát triển văn hóa giai đoạn 1998-2013, BCH T.Ư Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33, trong đó nêu rõ mục tiêu: Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa. Đây là một chủ trương đổi mới của Việt Nam về văn hóa, có định hướng tác động trực tiếp đến việc hình thành một thị trường văn hóa với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững mọi mặt của đất nước.

Trên tinh thần đó, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó nêu ra định hướng và từng bước phát triển các ngành: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó đóng góp của một số ngành cụ thể như sau: Điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); Nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 16 triệu USD; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 80 triệu USD; Quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD. Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong tổng số khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch và tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nền công nghiệp văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa văn hóa Việt Nam. Phía Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế. “Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; Xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế”, bà Liên nhấn mạnh.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.